Đời sống

Thiên thể kỳ lạ trong hệ Mặt Trời bất ngờ "sống dậy, mọc đuôi"

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một vật thể kỳ lạ trong hệ Mặt Trời giống cả tiểu hành tinh lẫn sao chổi.

Thiên thạch 2005 QN173 quay quanh Mặt Trời và nằm ở khu vực có tên vành đai tiểu hành tinh chính trong hệ Mặt Trời. Không giống những tiểu hành tinh đá ở cùng khu vực nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, 2005 QN173 dường như đang thay đổi khi di chuyển qua hệ Mặt Trời, phát triển vệt đuôi dài tới mức đủ quét từ Trái Đất tới Mặt Trăng và ngược lại.

Theo Sci-News, hiện tượng lạ được ghi nhận bởi kính thiên văn khảo sát Asteroid Terrestrial-Impact Last Alert System (ATLAS) của NASA, một công cụ chuyên theo dõi các tiểu hành tinh nhằm mục tiêu phòng thủ Trái Đất.

Tiểu hành tinh 2005 QN137 đang hoạt động như sao chổi với vệt đuôi siêu dài. Ảnh: ATLAS.

Quan sát về tiểu hành tinh 2005 QN173 chỉ ra vật thể đang tích cực hoạt động và có vệt đuôi bụi và khí mỏng, đặc điểm thường gắn liền với sao chổi. Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Tiến sĩ Henry Hsieh từ Viện Khoa học hành tinh kết luận hoạt động bất thường của tiểu hành tinh là sự thăng hoa (thay đổi từ thể rắn sang thể khí) của vật chất băng giá.

Điều đó có nghĩa, thứ được gọi là ''tiểu hành tinh'' bấy lâu nay vừa tự tạo ra quầng coma, tức ''đầu sao chổi'' và kéo theo đó là một chiếc đuôi đá bụi y như sao chổi.

"Nó phù hợp với định nghĩa về sao chổi với cấu tạo từ băng và giải phóng bụi vào không gian, mặc dù nó có quỹ đạo của một tiểu hành tinh. Sự xóa nhoà ranh giới giữa tiểu hành tinh và sao chổi khiến vật thể này trở nên thú vị'', các nhà thiên văn học giải thích.

Hsieh và cộng sự còn đo được 2005 QN173 có hạt nhân rắn ở phần đầu rộng 3,2 km. Họ cũng tính toán vệt đuôi sao chổi dài hơn 724.000 km, gấp đôi khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Dù cực dài, chiếc đuôi của 2005 QN137 rất hẹp, cho thấy vật chất trôi ra khỏi vật thể chính rất chậm, yếu hơn nhiều so với các sao chổi thông thường. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra thứ gì là thủ phạm của hiện tượng ''biến hình'' và giải phóng vật chất này.

Điều khiến 2005 QN173 đặc biệt hơn nữa là tiểu hành tinh này hoạt động tích cực nhiều hơn một lần. Trong số nửa triệu tiểu hành tinh đã biết ở vành đai chính, 2005 QN173 là tiểu hành tinh thứ 8 hoạt động mạnh 2 lần trong lịch sử.

Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters, 2005 QN137 nên được công nhận là sao chổi lẫn tiểu hành tinh. Trước đó, Hsieh và đồng nghiệp David Jewitt phân loại một nhóm thiên thể mới phát hiện gọi là sao chổi ở vành đai chính hoặc tiểu hành tinh hoạt động. Những thiên thể này sở hữu quỹ đạo giống tiểu hành tinh và tính chất vật lý của sao chổi nhưng 2005 QN137 là tiểu hành tinh - sao chổi đầu tiên được phân tích rõ ràng. Nghiên cứu 2005 QN173 có thể giúp các nhà khoa học khám phá vai trò của sao chổi và tiểu hành tinh trong quá trình tiến hóa của Trái Đất và sự sống.

Minh Hoa (t/h)