Văn hoá

"Thiên lệch biết tuốt" và chuyện đoán trúng đề Ngữ văn của Bộ GD&ĐT

Dù học tập, làm việc, công tác trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn sẽ nhận thấy có những nguồn dữ liệu cần được nắm bắt trong quá trình ra quyết định.

Ngày 24/7, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm và giới thiệu tác phẩm: "Nghệ thuật tư duy dựa trên Dữ liệu" do tác giả Hoàng Hữu Đà sáng tác. Tọa đàm còn có sự tham dự của TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc.

Mở đầu tọa đàm, tác giả Hữu Đà cho biết, cuốn sách "Nghệ thuật tư duy dựa trên Dữ liệu" được viết trong khoảng thời gian 3 tháng và gửi bản thảo tới NXB Trẻ trong năm 2021. Tới quý II năm 2022, cuốn sách đã được biên tập và in, giới thiệu đông đảo tới bạn đọc.

"Những con số, dữ liệu trên được tính toán hoàn toàn chính xác, nhưng khi chúng được đặt sai ngữ cảnh hoặc diễn giải không đầy đủ thì lại có thể gây ra những hiểu lầm cho người tiếp nhận thông tin. Từ đó, chúng ta cần có cách nhìn thấu đáo hơn, cụ thể và tổng quan hơn về các vấn đề trong mối tương quan", tác giả Hữu Đà chia sẻ.

Tác giả Hoàng Hữu Đà trao đổi thông tin về cuốn sách "Nghệ thuật tư duy dựa trên dữ liệu" 

Tác giả đưa ra quan điểm từ ví dụ, trong các câu hát của ca sĩ Đen Vâu lại khá trùng với đề thi môn Ngữ văn tại kỳ thi THPT Quốc gia vào các năm trước. Cụ thể hai năm liên tiếp, Đen Vâu đều đưa ra những gợi ý xác đáng cho các sĩ tử từ trước kỳ thi. Anh ấy luôn dự báo được trước đề thi và đưa chúng vào trong các bài hát của mình.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là các câu hát đó chỉ ngẫu nhiên liên quan tới một khía cạnh nhỏ, chứ không phải đề văn mà Bộ Giáo dục & Đào tạo lựa chọn trùng đúng với những câu hát đó. Bằng chứng là Đen Vâu đã phải đăng thông báo với các fan của mình rằng không nên coi những lời bài hát là gợi ý cho đề văn, mà cần phải ôn thi đầy đủ theo chương trình.

"Hiện tượng này được gọi một cái tên "thiên lệch biết tuốt" (Hindsight bias). Thiên lệch này xảy ra khi chúng ta cảm thấy các sự việc xảy ra dễ đoán hơn thực tế và rõ ràng khi đề môn Ngữ Văn THPT được công bố, chúng ra dễ dàng đưa ra những dẫn chứng để dẫn đến đề văn đó, nhưng điều này chỉ xảy ra sau khi đề Văn đã được công bố", tác giả Hữu Đà nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm với độc giả tham dự chương trình, TS. Phạm Sỹ Thành cho biết, cuốn sách "Nghệ thuật tư duy dựa trên Dữ liệu" thực sự đã mang tới một cách nhìn đầy mới mẻ, có tính thuyết phục.

"Các khái niệm tưởng chừng khô khan, trừu tượng, khó định hình nhưng dưới ngòi bút và cách sáng tạo đầy "táo bạo" Hoàng Hữu Đà thực sự đã truyền tải một nội dung hoàn toàn bổ ích, có tính áp dụng cao vào các lĩnh vực trong cuộc sống", TS. Phạm Sỹ Thành trao đổi.

Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ tiếp cận những điều rất thú vị về thống kê học và phân tích dữ liệu mà không được dạy trong một lớp học thông thường. Bạn cũng sẽ tìm hiểu về một số sai lầm thường gặp khi nhìn vào các con số trong nghiên cứu hoặc đưa ra bởi truyền thông.

Chúng ta sẽ thấy rằng những con số thống kê có mặt ở mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống và có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, chúng có thể giúp bạn những cách nhìn mới về thế giới xung quanh.

Tác giả Hoàng Hữu Đà đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích dữ liệu và quản trị rủi ro tài chính - ngân hàng. Thành viên được chứng nhận của Hiệp hội các chuyên gia Quản trị rủi ro Quốc tế (GARP FRM). Bên cạnh đó, tác giả là chủ nhân của kênh You Tube "Bài học 10 phút", nơi chia sẻ các kiến thức về xác suất, thống kê một cách dễ hiểu và dễ tiếp cận với hơn 17,6 nghìn lượt đăng ký, cùng với đó là 1,8 triệu lượt xem. Xuất bản các khoa học xác suất – thống kê và phương pháp định lượng trên trang web dạy học trực tuyến Udemy với hơn 6000 lượt đăng ký học.