Giáo dục

Thi vào 10 THPT: Liệt kê những điều sĩ tử cần làm trước khi đi thi

Chuyên gia chia sẻ, việc tạo tâm lý thoải mái, lập ra những phương án phù hợp là một trong những yếu tố giúp các em đạt được kết quả như mong đợi.

Vào 2 ngày 8-9/6 kỳ thi vào 10 THPT tại Hà Nội sẽ được diễn ra, năm nay số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập khoảng 81.200 học sinh, với số lượng thí sinh lớn việc áp lực, căng thẳng đối với các em là điều khó tránh khỏi.

Đưa ra những lưu ý cho cho học sinh trong giai đoạn “nước rút” chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10, ông Trần Văn Tình - Giáo viên dạy bồi dưỡng và luyện thi Toán THCS tại Hà Nội cho rằng tạo một tâm lý thoải mái là cách tốt nhất để các em đạt được những mục tiêu đề ra.

“Các em học sinh cần sắp xếp lịch học tập và ôn luyện sao cho khoa học và không quá sức để có một sức khỏe tốt trước khi bước vào kỳ thi. Chú ý tới việc ăn uống đủ chất, thời gian nghỉ ngơi hợp lý để không bị căng thẳng. Tập luyện thể thao nhẹ nhàng, tránh các môn thể thao dễ gây chấn thương. Không nên thức khuya để ôn luyện. Khi có sức khỏe tốt thì việc ghi nhớ kiến thức mới đạt hiệu quả tốt”, ông Trần Văn Tình chia sẻ.

Cùng với đó là phân bổ thời gian ôn luyện hợp lý, không nên dồn kiến thức, không nên dành quá nhiều thời gian cho một môn nào đó mà cần lên lịch và kế hoạch ôn luyện phù hợp đối với từng môn để việc ghi nhớ kiến thức không bị chồng chéo giữa các môn, giúp cho việc ghi nhớ kiến thức của từng môn được tốt nhất.

Thầy Trần Văn Tình - Giáo viên dạy bồi dưỡng và luyện thi Toán THCS tại Hà Nội.

Đây là giai đoạn rà soát lại kiến thức trọng tâm đã học theo từng chủ đề, từng phần để xem phần kiến thức nào đang còn vướng mắc, chưa hiểu rõ để từ đó kịp thời nhờ thầy cô hỗ trợ.

Bên cạnh đó là sắp xếp thời gian luyện đề để có được kiến thức tổng hợp qua mỗi đề thi, đồng thời theo thầy giáo khi luyện đề thi các em học sinh cần giới hạn thời gian cho mỗi đề thi cần luyện để đảm bảo tốc độ làm đề và làm chủ được thời gian khi vào thi thật.

Với kinh nghiệm dạy luyện thi nhiều năm, ông Trần Văn Tình cũng nhận thấy các em không nên quá để tâm, tập trung vào chỉ tiêu, tỉ lệ chọi để tránh ảnh hưởng tới tinh thần và tâm lý khi ôn luyện trong giai đoạn cuối. 

“Điều quan trọng lúc này các em học sinh cần bình tĩnh ôn luyện thi, khắc phục những thiếu sót mà mình mắc phải trong các kỳ thi thử đã diễn ra. Thầy cô và gia đình đều biết các em đang rất cố gắng và nỗ lực cho giai đoạn cuối trước khi bước vào kỳ thi”, ông Tình cho hay.

Kỳ thi vào 10 THPT tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 8-9/6 (Ảnh: Trọng Tùng).

Còn theo TS.Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam việc nghiên cứu tỉ lệ chọi giúp chuẩn bị các phương án lựa chọn trường học tốt nhất cho bản thân chứ không nên lấy đó làm áp lực.

Ở giai đoạn hiện tại, khi chưa đầy 2 tuần nữa kỳ thi sẽ bắt đầu, chuyên gia cho rằng có 3 việc mà phụ huynh và học sinh cần phải làm.

“Điều quan trọng nhất, việc học là suốt đời, học vì chính bản thân mình chứ không phải vì một kỳ thi hay điểm số. Các em cần xác định phải cố gắng hết mức thể hiện đúng khả năng của mình, nếu vì lấy mục tiêu phải trúng tuyển một trường nào đó làm áp lực là không nên”, ông Nguyễn Tùng Lâm đưa ra lời khuyên.

Thứ hai, từ chỉ tiêu xét tuyển, điểm chuẩn, số điểm các kỳ thi đánh giá sẽ là cơ sở dữ liệu tốt nhất để tìm ra phương án phù hợp với học sinh, chuyên gia nhấn mạnh: “Không nên chỉ hướng tới các trường công lập, mà hãy tìm hiểu cả các trường dân lập phù hợp với các em, khi có nhiều lựa chọn như vậy sẽ không có cảm giác thất vọng, hoang mang nếu không đạt được thành tích tốt nhất, vì đã có những phương án dự phòng”.

Cuối cùng, cần phải hiểu trong trường hợp nào cũng tìm được phương hướng giải quyết cho con đường học tập của mình. Gia đình và học sinh không nên mãi suy nghĩ mình trượt, yếu, kém, có tâm lý tự ti.

“Đặc biệt bố mẹ cũng không nên tạo áp lực tâm lý cho con, so sánh con mình với con nhà người ta, tìm cách giải quyết hợp lý nhất để giảm bớt căng thẳng cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi và sau khi biết kết quả”, ông Lâm bày tỏ.

Theo quy định, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3.

Trong đó NV1, NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký. Học sinh trúng tuyển NV1 không được xét tuyển NV2, NV3.

Thời gian tuyển sinh học sinh trúng tuyển xác nhận nhập học vào trường (trực tuyến hoặc trực tiếp) từ ngày 10/7 đến ngày 12/7. 

Thí sinh nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT và trường THPT tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu (nếu có) từ ngày 19 đến 22/7.