Kinh tế vĩ mô

Thị trường xuất khẩu lao động mở cửa trở lại: Tiềm năng và cơ hội

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp trong hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), do tình hình dịch bệnh, phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đều có chính sách hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc.

Tuy nhiên, đến nay với việc tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam và các nước, nên chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã có sự thay đổi thích ứng với việc mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam.

Cụ thể như thị trường các nước Châu Âu tiếp nhận lao động nước ngoài từ năm 2021; Hàn Quốc từ tháng 5/2021 (sau hơn một năm ngừng tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS); Đài Loan (Trung Quốc) mở lại từ ngày 15/2/2022 (đóng cửa từ 19/5/2021); Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 (sau hơn một năm đóng cửa từ cuối tháng 1/2021); và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp trong thời gian qua.

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo số liệu thống kê, đến 15/3/2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 2.026 người (trong đó có 198 lao động nữ).

Số liệu cụ thể lao động xuất cảnh của một số thị trường như sau: Nhật Bản là 451 lao động; Singapore là 363 lao động; Hàn Quốc là 325 lao động; Đài Loan (Trung Quốc) có 248 lao động; Hungary là 99 lao động…

Hướng đến thị trường có thu nhập cao 

Xác định việc khai thác những thị trường khó tính hơn nhưng cho người lao động (NLĐ) Việt Nam nhiều cơ hội hơn là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ XKLĐ và Chuyên gia (Suleco; Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), khẳng định chưa bao giờ NLĐ có nhiều có hội lựa chọn việc làm tốt như hiện nay. 

"Chúng tôi hoạt động với phương châm "Giáo dục để thành người - Đào tạo để thành tài - Lao động để thành đạt - Cộng lực để thành công". Trên cơ sở đó, ngoài đẩy mạnh phái cử NLĐ sang Nhật Bản, chúng tôi còn có đối tác ở châu Âu và châu Mỹ sẵn sàng đưa NLĐ đến những thị trường cao cấp hơn. Đây là những thị trường rất tiềm năng và nếu khai thác tốt sẽ là cơ hội để lao động NLĐ Việt Nam nâng cao giá trị lao động của mình, có thu nhập cao hơn", bà Hạnh chia sẻ với Người Lao Động. 

Lao động do Công ty CP Dịch vụ XKLĐ và Chuyên gia tuyển chọn trước giờ sang Nhật Bản làm việc. Ảnh: Người Lao Động. 

Đó cũng là nỗ lực mà ban giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động Mai Linh (Công ty TNHH Hợp tác quốc tế Mai Linh; quận 7, Tp.HCM) đang thực hiện. Ông Đinh Thành Bình, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết việc tìm kiếm thị trường mới theo hướng công việc tốt hơn, cho thu nhập cao hơn và bền vững hơn là trọng tâm của công ty trong năm 2022.

Tháng 4 tới đây, chính phủ Úc sẽ dành khoảng 1.500 visa 462 cho công dân Việt Nam. Hiện công ty đang tích cực làm việc với đối tác Úc để chuẩn bị đưa NLĐ diện visa 462 sang Úc làm việc. "Visa 462 là visa dành cho công dân những nước được Bộ Di trú Úc chỉ định đến Úc làm việc trong ngắn hạn. Visa này cho phép NLĐ làm việc tại Úc trong thời gian 1 năm và được gia hạn 2 lần tiếp theo. Như vậy, NLĐ sẽ được làm việc trong 3 năm và nếu đủ điều kiện sẽ có thể kéo dài thời gian làm việc và định cư" - ông Bình thông tin. 

Điều kiện để tham gia chương trình visa 462 là công dân có quốc tịch Việt Nam trong độ tuổi từ 20 đến 31, tốt nghiệp THPT trở lên và có trình độ tiếng Anh theo quy định của chính phủ Úc. Các công việc mà NLĐ có thể làm khi đi theo diện visa 462 là trồng, chăm sóc và thu hoạch nông sản; chế biến thủy sản, đóng gói trong nhà máy; các công việc kỹ thuật như bảo trì máy móc; các công việc liên quan đến nhà hàng, khách sạn như phục vụ, nấu bếp... Mức lương NLĐ được hưởng từ 60-80 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với báo Đầu tư, Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, đại bộ phận lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - chế tạo, nhà máy, công xưởng (chiếm trên 80% số lượng người đi làm việc tại nước ngoài hàng năm). Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe (điều dưỡng, hộ lý làm việc tại bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi), nông nghiệp, xây dựng cũng là những ngành nghề mà các quốc gia/vùng lãnh thổ có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài.

Lao động Việt Nam luôn được người sử dụng lao động và các cơ quan hữu quan tại nước tiếp nhận đánh giá tích cực về sự chăm chỉ, cần cù, nắm bắt nhanh công việc, làm việc có chất lượng và năng suất. Tại một số thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, lao động Việt Nam luôn được doanh nghiệp, người sử dụng lao động ưu tiên tiếp nhận hơn so với lao động nhiều quốc gia phái cử khác.

Năm 2022,Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động ra nước ngoài làm việc.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Du, Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á (IET; quận Bình Tân, Tp.HCM) cũng cho biết, hiện Đức đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng, trong đó phải kể đến việc thiếu hụt khoảng 40.000 nhân sự y tế như điều dưỡng, hộ lý mỗi năm. Các ngành như xây dựng, cơ khí ôtô, nhà hàng - khách sạn cũng đang cần một lượng lớn lao động đến từ bên ngoài khối EU.

Bên cạnh thị trường Đức, theo ông Du, các nước như Ba Lan, Na Uy, Đan Mạch, Hungary, Bulgaria, Romania, Serbia... cũng có nhiều cơ hội cho NLĐ Việt Nam. Những quốc gia châu Âu này có hệ thống an sinh xã hội tốt, việc làm đa dạng, phù hợp với NLĐ Việt Nam và cho thu nhập khá cao. 

Đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động ra nước ngoài làm việc 

Theo ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam và hầu hết các nước đã điều chỉnh chính sách thích ứng với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới. Do đó, nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng và là thời cơ thuận lợi để tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường này.

Cùng với các thị trường truyền thống, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với CHLB Đức, Australia (Chương trình Visa nông nghiệp), với Israel và một số thị trường châu Âu khác. Với tình hình như trên, kế hoạch 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 có khả năng thực hiện được.

Đảm bảo lợi ích, hỗ trợ người lao động 

Trả lời câu hỏi về giải pháp để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài của báo Đầu tư, ông Nguyễn Bá Hoan cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tập trung chỉ đạo nhiều phương án. 

Theo đó, thứ nhất, triển khai thực hiện luật và các văn bản pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hướng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ hai, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước có lao động sang làm việc để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và tổ chức đưa lao động hết hạn hợp đồng về nước theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ ba, mở rộng hợp tác thêm thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam ngoài các thị trường truyền thống, ưu tiên các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động. Trao đổi, đàm phán, ký kết hiệp định, thỏa thuận hợp tác lao động song phương với các nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam để bảo đảm các quyền và lợi ích của người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đưa ra rất nhiều phương án để đảm bảo quyền lợi, cũng như hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài. 

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo lao động về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật, đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động, tạo vị thế của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cẩn trọng với những chiêu trò tinh vi 

Trong giai đoạn thị trường lao động nước ngoài chuẩn bị mở lại, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cảnh báo, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc đối tượng môi giới lừa đảo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, các hình thức lừa đảo vẫn chủ yếu nhằm vào nhu cầu muốn đi làm việc của người lao động bằng mọi giá, cũng như nhận thức về pháp luật và thông tin việc làm ngoài nước của người lao động còn hạn chế.

Đối tượng lừa đảo thường lợi dụng nhu cầu của người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt nhưng không phải trải qua các khâu tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề.

“Có những hình thức, thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng mới phát hiện được”, ông Nguyễn Gia Liêm nói và cho hay, các đối tượng lừa đảo thường lập thành công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội facebook, zalo…

Họ cũng có cả website quảng bá về hoạt động của doanh nghiệp và hình ảnh tuyển chọn, đào tạo người lao động và nơi người lao động làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, các đối tượng này cũng lợi dụng uy tín của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để lập ra các công ty có tên tương tự nhằm đánh lừa người lao động.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Gia Liêm khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp.

Hương Anh (tổng hợp)