Xu hướng thị trường

Thị trường tỷ dân khốc liệt, mỹ phẩm Trung Quốc tiến sang Đông Nam Á

Ngày càng nhiều các thương hiệu mỹ phẩm Trung Quốc đang tìm tới các thị trường nước ngoài ít cạnh tranh hơn trong bối cảnh tiêu dùng tại Trung Quốc chững lại.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, các công ty mỹ phẩm Trung Quốc chủ yếu bán hàng online đã và đang muốn mở rộng hoạt động sang các thị trường gần gũi như Nhật Bản và Đông Nam Á trước khi thử sức tại những thị trường cạnh tranh hơn ở phương Tây. 

Bên cạnh hàng chục công ty quy mô nhỏ hơn như các thương hiệu Flower Knows và Catkins, các thương hiệu như Perfect Diary và Florasis, vốn nổi lên nhờ những “ngôi sao” bán hàng qua livestream tại Trung Quốc, cũng đang muốn bước chân vào những thị trường mới tại châu Á.

Theo người trong ngành, những công ty này có thể có khả năng thành công hơn tại Đông Nam Á nhờ kinh nghiệm hoạt động tại Trung Quốc, vốn là thị trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn, và khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng linh hoạt giúp họ tạo ra sản phẩm hiệu quả về chi phí.

Sita Hu, phó chủ tịch phụ trách xây dựng thương hiệu tại Hebe Beauty, cho biết tại một diễn đàn ở Thượng Hải: “Các thương hiệu quốc tế thường thiếu cái nhìn đúng về khách hàng. Giá cả tương đối cao và danh mục sản phẩm hạn chế khiến họ khó thích nghi hơn với nhu cầu khách hàng tại Indonesia so với các sản phẩm nổi tiếng online. Điều này cho chúng tôi một cơ hội.” Thương hiệu You của Hebe Beauty đã trở thành một trong những thương hiệu bán chạy nhất trên Shopee và TikTok tại Indonesia. 

Khi nền kinh tế Internet chững lại tại Trung Quốc, sự nổi lên của thương mại điện tử tại các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Philippines đã tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu có sụt giảm, kinh tế số tại Đông Nam Á tiếp tục trụ vững; tổng giá trị hàng hóa (GMV) của khu vực này được kỳ vọng sẽ đạt mốc 1000 tỷ USD vào năm 2030. 

Trong khi đó, tại Trung Quốc, tiêu dùng nội địa sụt giảm trong năm 2020 do đại dịch Covid-19  - lần đầu tiên kể từ năm 1978. Tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng giảm 3,9% so với năm 2019 xuống 39,2 nghìn tỷ NDT (6200 tỷ USD). Tuy con số này tăng trở lại lên mức 44,1 nghìn tỷ NDT vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức tăng hai con số trước năm 2017, theo cơ quan thống kê Trung Quốc.  

Bên cạnh lý do tăng trưởng, các thương hiệu mỹ phẩm online Trung Quốc còn muốn tiến vào các thị trường ít cạnh tranh hơn nhưng có thị hiếu thẩm mỹ giống với tại Trung Quốc. Quy định về thương mại điện tử tại các quốc gia Đông Nam Á cũng có thể phù hợp hơn với các các doanh nghiệp này bán hàng. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng dễ dàng sử dụng nhiều nền tảng do công ty công nghệ Trung Quốc lập ra như TikTok, hoặc có công ty Trung Quốc đứng sau như Shopee và Lazada. 

Tuy nhiên, việc bước vào những thị trường mới cũng đi kèm với thách thức riêng, kể cả vấn đề văn hóa. Hebe Beauty từng phải rút một quảng cáo tại Indonesia do có hình ảnh phụ nữ mặc áo hở vai, vốn không được chấp nhận tại một quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo. 

Tùng Phong (Theo SCMP)