Thế giới

Thị trường tích cực sau khi Nga rút lực lượng quân đội giáp Ukraine

Giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 2,1% xuống còn dưới 95 USD/thùng, trong khi giá dầu giao dịch kỳ hạn tại New York cũng lao dốc.

Vào hôm thứ Ba (15/2), Nga tuyên bố bắt đầu rút lui một số lực lượng binh sĩ tại các quân khu tiếp giáp với Ukraine trở về căn cứ. Động thái này đưa ra sau khi hoàn tất các cuộc tập trận, vốn dẫn tới lo ngại của phương Tây về một cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết các đơn vị quân khu phía Tây và phía Nam đã tải thiết bị lên phương tiện giao thông đường bộ và đường sắt sau khi hoàn thành các cuộc tập trận, bắt đầu quay trở lại căn cứ thường trực. Các đơn vị quân đội khác đang tiếp tục diễn tập tại những bãi tập ở Nga và “binh sĩ ngay sau khi hoàn tất các hoạt động huấn luyện chiến đấu sẽ trở về căn cứ của họ như mọi khi”.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko và Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tại Hội đồng NATO - Nga ở Brussels, Bỉ vào ngày 12/1/2022. Ảnh: CNBC.

Phản ứng của thị trường đối với thông tin Nga rút quân

Giá trị đồng rúp của Nga đã tăng lên sau thông báo rút quân của Bộ Quốc phòng nước này, tăng 1,3% so với đồng USD lên mức 75,5518 rúp/USD vào lúc 12 giờ 53 phút chiều ở Moscow. Giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 2,1% xuống còn dưới 95 USD/thùng, trong khi giá dầu giao dịch kỳ hạn tại New York cũng lao dốc.

Sau tin tức rút quân, thị trường chứng khoán đã tăng điểm khi các nhà đầu tư coi động thái này như một dấu hiệu tích cực cho thấy Nga có thể giảm leo thang căng thẳng với Ukraine. Các điểm chuẩn chính của Phố Wall đã tăng mạnh trong giao dịch trước giờ mở cửa hôm thứ Ba (15/2). 

Các hợp đồng tương lai gắn với S&P 500 tăng 1,47%, tương đương 69 điểm, lên 4.463, trong khi Chỉ số Công nghiệp Dow Jones tương lai tăng 1,16%, tương đương 401 điểm, lên 34.872. Các hợp đồng trên Nasdaq Composite tăng mạnh 2,23%, tương đương 317,50 điểm, lên 14.570,5.

Mối đe dọa leo thang về hành động quân sự của Nga tấn công Ukraine đã đè nặng lên thị trường trong những ngày gần đây, khi các nhà đầu tư phải đối mặt với viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ, làm trầm trọng thêm lạm phát và gây ra những gián đoạn kinh tế.

Ông George Ball, Chủ tịch công ty đầu tư Sanders Morris Harri, nhận định: “Căng thẳng Nga và Ukraine leo thang diễn ra vào thời điểm thị trường chứng khoán hiện dễ bị tổn thương do lo ngại lạm phát và khả năng thắt chặt của FED”.

Căng thẳng địa chính trị cùng với sự không chắc chắn xung quanh sự điều chỉnh chính sách của ngân hàng trung ương đã chi phối tâm lý thị trường trong những tháng gần đây. Tuần trước, Bộ Lao động Mỹ báo cáo Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 nước này đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng hàng năm cao nhất kể từ tháng 2/1982.

Gần như toàn bộ thị trường tiền điện tử đã tăng cao hơn vào thứ Ba (15/2). Dữ liệu từ Coin Metrics cho biết giá Bitcoin tăng hơn 4% lên 44.301,94 USD, trong khi ether tăng hơn 7% lên 3.118,63 USD vào khoảng 8 giờ 13 phút sáng, theo múi giờ miền Đông ở Bắc Mỹ (ET). 

Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh phương Tây quan ngại rằng Matxcơva có kế hoạch tấn công Ukraine, tại Nhà Trắng ở Washington, Mỹ vào ngày 7/12/. Ảnh: CNBC.

Diễn biến xung quanh căng thẳng quân sự

Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cảnh báo Nga đã bố trí khoảng 130.000 binh lính gần biên giới Ukraine nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra. Họ đề nghị Nga rút quân để giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, phía Điện Kremlin đã bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng việc di chuyển lực lượng trên lãnh thổ của mình là vấn đề nội bộ. 

Hôm thứ Hai (14/2), Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ tán thành với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov về việc nước này cần tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao nhằm đạt được sự đảm bảo an ninh từ phương Tây. Nga hiện tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều năm qua tại nước láng giềng Belarus, dự kiến ​​kết thúc vào ngày 20/2. Ngoài ra, Nga cũng đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đen.

Tổng thống Putin đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh đưa ra các đảm bảo an ninh sâu rộng, bao gồm không mở rộng NATO và không kết nạp Ukraine là thành viên trong tương lai. Mặc dù từ chối những yêu cầu này của Nga, nhưng Mỹ và NATO đã đề nghị đàm phán về các vấn đề an ninh khác bao gồm hạn chế tên lửa và các biện pháp xây dựng lòng tin. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đánh giá đó là những đề xuất "mang tính xây dựng".

Quyết định rút lui được công bố vài giờ trước khi Tổng thống Putin có cuộc gặp tại Moscow với Thủ tướng Đức Olaf Scholz - nhà lãnh đạo phương Tây mới nhất hội đàm với ông về căng thẳng liên quan đến Ukraine. Trước đó, vào thứ Bảy (12/2), Tổng thống Putin đã điện đàm riêng với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Vào hôm 7/2, Tổng thống Emmanuel cũng đã tới Moscow để tham gia hội đàm với vị lãnh đạo Điện Kremlin kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ.

Sau khi cảnh báo về một cuộc tấn công của Nga có thể diễn ra ngay trong tuần này, Mỹ đã sơ tán đại sứ quán và kêu gọi công dân của mình rời khỏi Ukraine. Theo các quan chức tình báo phương Tây, một số binh sĩ đang tập trận tại Belarus đã tiến đến gần biên giới hơn dự kiến. Họ trích dẫn thêm thông tin tình báo cho thấy hiện có 100 tiểu đoàn chiến thuật của Nga tập trung gần biên giới Ukraine và 14 nhóm khác đang quá cảnh.

Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Reuters)