Tài chính - Ngân hàng

"Thị trường sớm muộn cũng sẽ nhận ra ưu điểm của cổ phiếu ngân hàng"

Trong năm qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là "công thần" giúp VN-Index liên tục phá đỉnh.

Trình bày quan điểm tại Talkshow “Năm 2022: Cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại ngôi vương?”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích VNDirect nhận định, sức khoẻ các ngân hàng Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã tốt lên nhiều. Do đó, chúng ta có thể có cơ sở hy vọng vào một năm 2022 phục hồi với nhóm ngành này.

Cổ phiếu ngân hàng là “công thần"

Theo bà Hiền, có thể nói diễn biến cổ phiếu ngành ngân hàng trong năm 2021 được chia thành 2 giai đoạn: từ đầu năm tới giữa năm và từ tháng 6 trở đi.

Trong giai đoạn nửa đầu năm, ngành ngân hàng là một trong những ngành góp phần đưa VN-Index chinh phục những đỉnh cao mới từ 1.200, 1.300, thậm chí 1.400 điểm, được xem là những “công thần” giúp VN-Index chính thức bứt phá lên trên ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm hồi tháng 4. Điều này phản ánh đúng kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng.

Theo quan sát của VNDirect, 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng đang niêm yết trên sàn đều có sự gia tăng hơn 50%, “đây là con số rất ấn tượng nếu so với bối cảnh 6 tháng đầu năm 2020, chỉ với khoảng 12%”, bà Hiền nhấn mạnh.

Hơn nữa, đây cũng là giai đoạn bùng nổ của những cổ phiếu có vốn hoá lớn, dòng tiền thông minh lúc đó sẽ lựa chọn những mã cổ phiếu đầu ngành như nhóm ngân hàng. Điều này phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư về sự phục hồi kinh tế ngay từ đầu năm.

Ngành ngân hàng là một trong những ngành góp phần đưa VN-Index chinh phục những đỉnh cao mới trong năm 2021

Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng nổ ở tháng 6, thì ngân hàng lại là một trong những ngành chịu ảnh hưởng khá lớn. Từ đó, khi có những sự thắt chặt đi lại do dịch bệnh, thì tín dụng trở thành một trong những yếu tố bị ảnh hưởng đầu tiên, kèm theo đó là lo ngại về nợ xấu có xu hướng gia tăng trong thời gian này khi người lao động đều gặp khó khăn về việc làm, tài chính. 

Chính những yếu tố này, lập tức gây biến động đến giá cổ phiếu của ngành ngân hàng nửa cuối năm. Khi mọi thứ được cải thiện thì ngành cũng sẽ có chiều hướng tích cực hơn.

“Hệ thống ngân hàng vẫn sẽ là kênh chủ lực”

Thực tế cho thấy, kể từ đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã thể hiện nhiều nỗ lực trong việc phục hồi kinh tế-xã hội, đặc biệt, đã xây dựng gói kích cầu quy mô lớn và vừa được Quốc hội thông qua, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành vào ngày 17/01. 

Theo đó, có nhiều hy vọng vào kết quả hoạt động ngành ngân hàng sẽ tiếp tục khả quan và thu hút dòng tiền. 

Nhìn vào thực tế này, ông Nguyễn Danh Lương - Thành viên HĐQT độc lập ABBank cho biết, gói kích cầu quy mô lớn sẽ trực tiếp hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Điều đó tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7% năm nay là khả thi.

Ông Lương chia sẻ, theo những nghiên cứu gần đây thì khi hiệu quả của dòng vốn ngân hàng được cải thiện thì tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể gấp trên 2 lần tăng trưởng GDP. 

Ông Nguyễn Danh Lương - thành viên HĐQT độc lập ABBank

Hơn nữa, các ngân hàng có dư địa tăng trưởng tín dụng lớn hơn, khách hàng của hệ thống ngân hàng khi phục hồi được sản xuất kinh doanh cũng sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ và khả năng trả nợ của họ được cải thiện. 

Những điều đó sẽ giúp hệ thống ngân hàng tăng trưởng quy mô, phát triển thêm các sản phẩm, đảm bảo được chất lượng danh mục tài sản, cải thiện khả năng thu hồi/xử lý nợ xấu. Và những điều đó là cơ sở để dự báo về kết quả hoạt động khả quan của ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Mặt khác, theo đại diện ABBank, việc tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng năm qua là hợp lý bởi vì thị trường sớm muộn gì cũng nhận ra ưu điểm của cổ phiếu ngành ngân hàng xét trên các mặt như tính ổn định, tính minh bạch do hoạt động ngân hàng tuân theo các chuẩn mực quốc tế và được kiểm soát chặt chẽ.

Trên thực tế, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ lực của nền kinh tế và khi nền kinh tế Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng thì ngành ngân hàng có nhiều cơ hội phát triển. 

Bên cạnh đó, "trong nguy có cơ", khi dịch bệnh xảy ra cũng đã buộc hệ thống ngân hàng tiến nhanh hơn trong quá trình số hóa các sản phẩm dịch vụ. Vì vậy, thu nhập từ phí dịch vụ và từ các sản phẩm số đã là trở thành một "điểm sáng" trong hoạt động của các ngân hàng năm qua. 

Ngoài ra, trong những năm gần đây, việc các ngân hàng tập trung nâng cao năng lực tài chính, tuân thủ các lộ trình/giải pháp của đề án "cơ cấu lại gắn liền với xử lý nợ xấu", thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực quản trị, đầu tư xây dựng nguồn nhân lực cũng đã tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư về sự phát triển bền vững của các ngân hàng trong trung, dài hạn và sự hấp dẫn của cổ phiếu ngành ngân hàng.