Văn hoá

Thị trường sách thiếu nhi sôi động, sức bật mới cho ngành xuất bản

Tại Tp.HCM, dịp 1/6 năm nay, nhiều đơn vị xuất bản ra mắt sách thiếu nhi với mức tiêu thụ tốt khi kết hợp cùng các hoạt động quảng bá, vui chơi.

Phân khúc xuất bản nhiều tiềm năng

Đầu tháng 6/2023, ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy, nhiều đơn vị xuất bản sách tại Tp.HCM đã xác định chiến lược kinh doanh cho dòng sách thiếu nhi. Trung bình mỗi tháng, Đông A Books có thêm từ 3-5 tựa sách thiếu nhi mới (so với trước đây là 1-2 đầu sách mới), dành cho lứa tuổi học sinh từ cấp 2 trở lên.

Còn Thái Hà Books, trước đây dòng sách thiếu nhi của Thái Hà chủ yếu dành cho trẻ từ 0-3 tuổi, biên độ này hiện đã được mở rộng thêm ở phân khúc từ 6-15 tuổi, tăng khoảng 30-40%. Trong đó, sách của tác giả Việt khoảng 25-30%, còn lại là sách dịch.

Trong vài năm qua, các đơn vị làm sách thiếu nhi có thâm niên trên thị trường như Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ cũng đầu tư cho mảng sách thiếu nhi khi số lượng đầu sách tăng từ 30% trở lên. Sự thay đổi lớn nhất ở mảng sách thiếu nhi trong năm nay là việc các đơn vị xuất bản tăng cường sáng tác của tác giả Việt Nam, từ 30-40%.

Theo đại diện Nhà xuất bản Trẻ, ưu thế của sách thiếu nhi thuần Việt chính là sự gần gũi trong câu chuyện, nét vẽ nhưng nội dung ở mảng này chưa đa dạng. Do đó, mảng sách dịch sẽ bổ trợ về nội dung, nằm ở các dòng kỹ năng và nhiều khía cạnh cuộc sống, các sách chủ đề khoa học, tâm lý, triết học… đều là sách dịch.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ, “Thói quen đọc sách bắt đầu được xã hội quan tâm hơn vài năm gần đây, mà thói quen thì nên bắt đầu từ... con trẻ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp sách thiếu nhi được ưu ái hơn”.

Vị này cũng nhận xét, nhu cầu đọc và mong muốn đọc của thiếu nhi chưa bao giờ phong phú và đa dạng như hiện nay. Không chỉ là các tác phẩm văn học, các em còn tìm đọc những cuốn sách về tâm lý, kiến thức, kỹ năng, khoa học được chính các tác giả trong nước viết, với văn phong gần gũi, hình ảnh quen thuộc.

Đại diện Đông A Books đánh giá, chiếm ưu thế trong mảng sách thiếu nhi là dòng sách tranh, với màu sắc tươi vui và những trải nghiệm đặc biệt từ trang sách mang lại như gấp hình, trò chơi tương tác… điều mà sách điện tử hay sách nói không thể thay thế được. Do đó, sách giấy và các kênh phân phối truyền thống vẫn chiếm ưu thế.

Để thiếu nhi say mê đọc sách

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Tp.HCM nói, xây dựng, phát triển văn hoá đọc là một trong những chủ trương quan trọng được Tp.HCM kiên trì thực hiện, đầu tư trong nhiều năm qua.

Đối với thanh thiếu nhi, các chính sách của Tp.HCM là tạo mọi điều kiện để thanh thiếu nhi có thể phát triển đạo đức, văn hóa, kỹ năng, tri thức từ sách bằng các hoạt động xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi thành phố; đặc biệt, thành phố cần có một giải thưởng về sách dành cho thiếu nhi.

Vì thế, dịp 1/6 năm nay, Tp.HCM tổ chức Hội sách thiếu nhi Hè năm nay tiếp tục được đầu tư tổ chức tại Đường sách Tp.HCM với nhiều nét mới, hoạt động sôi nổi.

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cũng cho rằng, hoạt động xuất bản sách cho thiếu nhi thời gian qua khá sôi động với những dòng sách hay, đẹp và có sức hấp dẫn với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi. Hiện, có trên 20 nhà xuất bản và doanh nghiệp xuất bản tham gia xuất bản sách thiếu nhi.

Các nhà xuất bản và đơn vị làm sách đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để tạo ra những cuốn sách, bộ sách đủ sức cuốn hút đối với các em nhỏ thông qua khả năng kích thích các giác quan và trí tưởng tượng, khơi dậy niềm đam mê của trẻ em.

Nhiều cuốn sách, bộ sách đã thực sự gây ấn tượng với muôn hình, muôn vẻ không chỉ nói được nỗi lòng của trẻ em mà còn mở ra không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc sắc thông qua ngôn ngữ hài hước, dí dỏm.

Nhiều nhà xuất bản đã mạnh dạn đầu tư, kỳ công tạo dựng những diện mạo mới cho tác phẩm văn học thiếu nhi, đem đến trải nghiệm đọc sách không giới hạn cho trẻ thông qua các cuốn sách lật mở, sách có mùi hương, sách chiếu bóng, sách chuyển động đa ngữ…

“Để nâng cao chất lượng sách thiếu nhi, đòi hỏi các nhà xuất bản phải không ngừng nỗ lực tìm kiếm, đặt hàng những tác giả viết hay với nhiều ý tưởng mới, sáng tạo. Đồng thời cần phải hướng tới phát triển các dòng sách đẹp, hiện đại như artbook (sách tranh), pop-up (sách 3D, dựng hình), sách đa phương tiện (sách chuyển động, sách nói, sách song ngữ kèm phần đọc)… để có thể hấp dẫn các thế hệ độc giả nhỏ tuổi”, ông Hoàng đề xuất.