Tiêu dùng & Dư luận

Thị trường sách "đóng băng" vì Covid-19

Theo các doanh nghiệp xuất bản, thị trường in ấn, phát hành sách đang lâm vào khó khăn lớn nhất từ trước đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sách không phải thiết yếu, không thể giao hàng

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty TNHH Đường Sách Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, chưa bao giờ mà ngành xuất bản nói chung, các nhà xuất bản (NXB) và công ty phát hành nói riêng rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.

Bởi lẽ, sách cũng là một sản phẩm, giống như các loại hàng hóa khác, nhưng thị trường xuất bản đang gần như đóng băng, hàng nghìn cửa hàng sách trên toàn quốc phải đóng cửa.

“Khi sách không đến tay bạn đọc, doanh thu của từng NXB, các đơn vị phát hành gần như là trắng”, ông Lê Hoàng nhận định.

Trong bối cảnh dịch bệnh, sách chủ yếu được phát hành trên các kênh thương mại điện tử. Nhưng theo ông Lê Hoàng đánh giá, giải pháp này chỉ mang tính tình thế, không thể thay thế được thị trường truyền thống.

Hoạt động xuất bản, phát hành sách đang gặp khó khăn chưa từng thấy vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đó là chưa kể rằng từ tháng 4/2021 đến nay, giá giấy trong nước đã tăng từ 20%-30%. Một số nhà in buộc phải đóng cửa, một số vẫn làm việc nhưng chỉ duy trì công suất 30% so với trước.

Hơn nữa, trong tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp như hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, việc đưa sách đến bạn đọc đang rất khó khăn.

Các đơn vị phát hành tiếp tục chịu thiệt hại lớn khi có rất nhiều đơn hàng sách trực tuyến bị hoãn, hủy khi gần như không có đội ngũ shipper.

“Vì sách không phải mặt hàng thiết yếu nên không có những chính sách hỗ trợ như các mặt hàng thiết yếu trong quá trình lưu thông”, ông Lê Hoàng cho biết.

Đóng cửa hàng loạt hiệu sách

Tình trạng khó khăn lưu thông đối với sách đã tác động trực tiếp tới hoạt động của các nhà xuất bản, công ty phát hành. Từ khi dịch bùng phát lần thứ tư, Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội đã phải đóng cửa rất nhiều hiệu sách, hoạt động xuất bản cũng cắt giảm.

Đại diện công ty Cổ phần Phát hành sách Tp.Hồ Chí Minh (Fahasa) cho biết, đơn vị đã phải đóng cửa 80/117 nhà sách, doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu tháng 7/2021 chỉ đạt 30% so với cùng kỳ năm 2020 và tháng 8 còn có thể giảm sâu hơn nữa.

Công ty Alpha Books ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 84% so với cùng kỳ năm 2020. Sau đó, vào giữa tháng 7/2021, công ty bị phong tỏa, đóng cửa do có ca nhiễm Covid-19 khiến doanh thu sụt giảm nhiều.

Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cũng đóng cửa 6 nhà sách, doanh thu chỉ còn 76% so với cùng kỳ năm 2020 và đang tiếp tục giảm sâu. Đến tháng 7 và 8/2021, doanh thu này chỉ bằng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, NXB Trẻ đã đóng cửa tất cả cửa hàng sách của đơn vị này. Bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc NXB Trẻ chia sẻ: “Trước đây, nhà xuất bản vẫn có thể giao hàng qua một số đơn vị. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng thì không thể giao sách đi các nơi được nữa”.

Cũng do ách tắc kênh phân phố nên tuần tính từ 2 đến 8/8, NXB Trẻ nhận được khoảng 500 đơn hàng qua kênh online nhưng không thể giao được sách.

Tự tìm hướng đi mới, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books đề xuất, ngành xuất bản nên đẩy mạnh ebook, audio book. Sau khi thử nghiệm phát hành qua hệ thống Fonos, đơn vị này đã thu được doanh thu khả quan từ sách nói.

Doanh thu, số tựa sách mới đều giảm

Kết quả hoạt động kinh doanh sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 của Đường sách Tp. Hồ Chí Minh cho biết, số lượng bản sách là 352.882 cuốn với 1.654 tựa sách mới.

Doanh thu đạt hơn 15 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng giảm 30,1% so với lúc dịch Covid-19 chưa bùng phát (năm 2019).

Có 10 đơn vị có tổng doanh thu giảm từ 10% đến cao nhất là 39.16%. Một vài đơn vị có doanh thu giảm không đáng kể (1.12%) và có các đơn vị doanh thu tăng từ 9.53% đến 58.33%.

Các đơn vị có doanh thu tăng từ 30% trở lên hầu như đều tập trung đẩy mạnh cho kênh phân phối trực tuyến như First News, NXB Trẻ, Sài Gòn Books, Quán Sách Mùa Thu.

Nếu so sánh biên độ giảm doanh thu giữa năm 2021 so với năm 2020 & năm 2020 so với năm 2019 thì mức độ giảm doanh thu của năm 2021 thấp hơn năm 2020 (trung bình năm 2020 giảm vào khoảng 40%, có đơn vị giảm đến 80%).

Về số bản sách bán ra, số lượng sách bán ra tăng 19.07% so với năm 2020 nhưng giảm 28.19% so với trước dịch, năm 2019.

Số tựa sách mới năm 2021 giảm 14.12% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 17.09% so với năm 2019.

Điều này cho thấy sự đầu tư bản thảo mới, xuất bản, tái bản của các đơn vị có phần giảm lại cũng là một điều hợp lý so với diễn biến chung của ngành hiện nay trước tác động của đại dịch.