Kinh tế vĩ mô

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa gạo ổn định, giá cà phê giảm nhẹ

Tuần qua, thị trường nông sản châu Á ghi nhận mức giảm thấp nhất của gạo Ấn Độ, sự biến động trái chiều trên thị trường nông sản Mỹ, giá nhiều loại cà phê giảm.

Giá lúa gạo Việt Nam tiếp tục giữ ở mức ổn định

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công thương, giá gạo ngày 10/12 giữ ở mức ổn định, giá gạo IR NL 504 ở mức 7.700 - 7.800 đồng/kg; gạo TP IR mức 8.500 đồng/kg; tấm 1 IR 504 7.200 - 7.300 đồng/kg và cám vàng 7.450 đồng/kg.

Tại thị trường An Giang hôm nay giá nếp vỏ tươi tăng 100 đồng/kg lên 5.100 - 5.200 đồng/kg; giá lúa đài thơm 8 giảm 100 đồng/kg xuống 5.900 - 6.100 đồng/kg. Các loại lúa gạo khác ổn định. Giá nếp Long An tươi 5.400 - 5.500 đồng/kg; lúa OM 380 5.400 - 5.600 đồng/kg; lúa OM 18 6.000 - 6.100 đồng/kg; gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; gạo sóc thường 14.000 đồng/kg; gạo sóc Thái 18.000 đồng/kg; gạo nàng nhen 20.000 đồng/kg; gạo thường 11.500 - 12.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục điều chỉnh giảm thêm từ 2-5 USD/tấn. Như vậy, sau hai phiên liên tiếp, giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam đã giảm 10 USD/tấn.

Theo đó, gạo 5% tấm giảm 5 USD, xuống còn 405 - 409 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 5 USD, xuống 385 - 389 USD/tấn; gạo 100% tấm giảm 2 USD, xuống còn 328 - 332 USD/tấn; Jasmine giảm 5 USD, xuống 558 - 562 USD/tấn.

Tại Tiền Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh dự kiến xuống giống hơn 49.000 ha. Đến nay, nông dân Tiền Giang đã xuống gần 47.000 ha. Nhìn chung, lúa Đông Xuân 2021 - 2022 tại vùng kiểm soát lũ phía Tây và vùng ngọt hóa Gò Công đã xuống giống cơ bản dứt điểm. Hiện lúa đang giai đoạn mạ - đẻ nhánh, tình hình sâu bệnh không đáng kể.

Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa Đông Xuân 2021, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch xuống giống 1,55 triệu ha. Đến nay, các địa phương đã xuống giống gần 1 triệu ha, đạt kế hoạch mùa vụ.

Gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp của 5 năm

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2006 trong bối cảnh đồng rupee yếu đi cho phép các nhà xuất khẩu hạ giá bán giữa lúc nguồn cung trong nước tăng lên sau các vụ thu hoạch mới.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 351-356 USD/tấn so với mức 353-358 USD/tấn trong tuần trước.

Đồng rupee của Ấn Độ đã chạm mức thấp của hai tuần trong phiên 9/12.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh cho hay giá gạo Ấn Độ lại trở nên cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm xuống mức 410-414 USD/tấn so với mức 415-420 USD/tấn trong tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thị trường giao dịch khá yên ắng trong tuần này do liên quan đến các vấn đề như chi phí vận chuyển cao và tình trạng khan hiếm container.

Thương nhân này cho hay, nông dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy nhanh công tác gieo mạ, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng này, để tránh hạn, mặn. Vụ Đông-Xuân chính sẽ hoàn thành vào tháng 2/2022.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống mức 385-396 USD/tấn so với mức 380-397 USD/tấn trong tuần trước do đồng baht tăng giá so với đồng USD.

Một số nhà giao dịch tại Bangkok cho biết thị trường tương đối “trầm” khi thời điểm cuối năm đến gần, trong khi một số nhà giao dịch khác cho biết một số người mua đang gấp rút đặt hàng trước khi kết thúc năm. Một thương nhân cho biết giá giảm sẽ có nhiều cơ hội hơn để bán gạo cho người mua ở nước ngoài.

Giá gạo trong nước của Bangladesh đã tăng trở lại trong tuần này bất chấp vụ mùa thuận lợi và nhập khẩu nhiều.

Bangladesh, vốn là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, đã trở thành khách hàng mua gạo lớn để bổ sung cho các kho dự trữ trong nước do phải hứng chịu các trận lũ lụt liên tiếp. Bangladesh nhập khẩu gạo chủ yếu từ Ấn Độ.

Sự biến động trái chiều trên thị trường nông sản Mỹ

Tại thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch cuối tuần 10/12, giá các mặt hàng nông sản tại sàn giao dịch nông sản Chicago (Mỹ) CBOT biến động trái chiều, trong đó giá lúa mỳ và đậu tương tăng, còn giá ngô giảm.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2022 giảm 1,75 xu Mỹ (0,3%) xuống 5,9 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 1/2022 tăng 3,25 xu Mỹ (0,26%) xuống 12,6775 USD/bushel, còn giá lúa mỳ giao tháng 3/2022 tăng 8,5 xu Mỹ (1,09%) xuống 7,8525 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago lưu ý khối lượng giao dịch thấp hơn nhiều so với những ngày trước đó do các nhà giao dịch bắt đầu chốt sổ năm 2021 khi kỳ nghỉ lễ tới gần. Thị trường dự kiến sẽ sôi nổi trở lại khi bước sang năm mới.

Các công ty tư nhân Trung Quốc cho biết đã mua 200.000-400.000 tấn ngô Mỹ và lượng ngũ cốc chưng cất khô (DDG) chưa rõ khối lượng. Trung Quốc cũng đã đặt mua lượng lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi đáng kể từ Đông Australia, khoảng 1,25-1,75 triệu tấn.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2021 của Mỹ ở mức 6,8%, cao hơn một chút so với dự báo của chuyên gia kinh tế. Lạm phát có một số tác động tới việc mua hàng hóa kỳ hạn.

Dự báo thời tiết cho thấy khu vực miền Trung Argentina sẽ vẫn khô ráo vào cuối tuần này. Các khu vực của Cordoba và vùng xa phía Tây Argentina sẽ có mưa rào nhẹ trong 48 giờ tới, nhưng sau đó thời tiết sẽ khô hạn và nhiệt độ ấm lên cho đến ngày 26/12. Thời tiết khô hạn cũng sẽ lan rộng đến nửa phía Nam của vành đai cây trồng của Brazil.

Giá cà phê trong nước giảm nhẹ

Kết thúc phiên giao dịch tuần này (ngày 10/12), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2022 giảm tiếp 25 USD (1,04%), giao dịch tại 2.376 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 15 USD (0,65%), giao dịch tại 2.291 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục giảm mạnh. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 7,6 Cent (3,16%), giao dịch tại 232,6 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 cũng giảm 7,3 Cent (3,05%), giao dịch tại 232,35 Cent/lb. Khối lượng giao dịch kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng mạnh.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 200 – 300 đồng, xuống dao dộng trong khung 42.200 – 42.600 đồng/kg.

Đồng Real giảm mạnh thể hiện sự lạc quan của thị trường ngoại hối sau khi Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ được công bố và là dấu hiệu việc tăng lãi suất USD đang đến gần, khiến đầu cơ dịch chuyển dòng vốn quay về lại chứng khoán.

Cho dù đã có nhiều tuyên bố trấn an rằng biến thể Omicron không nguy hiểm như nhiều lo ngại, nhưng ngày càng có thêm nhiều quốc gia tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội do biến thể này được xác nhận lây lan hơn Delta rất nhiều lần và cần nâng cao sự thận trọng hơn nữa.

Thị trường Việt Nam đang vào cao điểm thu hoạch nên cà phê vụ mới được đưa ra thị trường với khối lượng nhỏ giọt và sẽ tăng lên đáng kể khi vào đầu năm mới 2022. Việt Nam, nhà sản xuất giống robusta hàng đầu, cũng đã thắt chặt hơn nữa nguồn cung cà phê. Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Ole Hansen, Trưởng Bộ phận Chiến lược Hàng hóa của Ngân hàng Saxo, cho biết, diễn biến giá cà phê trong những tháng tới sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc tác động của các sự kiện gần đây sẽ kéo dài bao lâu.

Nhà phân tích này nhận định rằng, đã có “một cơn bão hoàn hảo” đổ bộ, giúp thúc đẩy giá hàng hóa trong 12 tháng qua. Một trong những động lực tăng giá chính của mặt hàng cà phê trong năm 2021 là điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Brazil - nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.

Vào đầu năm, quốc gia này đã trải qua một đợt băng giá nghiêm trọng. Còn trong những tháng gần đây, một số vùng trồng cà phê trọng điểm tại đây lại chứng kiến hiện tượng hạn hán. Hệ quả của các sự kiện này có thể tiếp tục tác động lên sản lượng cà phê vào năm 2022, và thậm chí kéo dài sang năm 2023. Điều này khá tương đồng với thời điểm năm 2011, khi giá cà phê tăng lên mức 3 USD/pound do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Tuệ Minh (tổng hợp)