Kinh tế vĩ mô

Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo đi ngang, cà phê giảm nhẹ

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm xuống mức thấp của hơn 2 tháng trong tuần này trong khi giá gạo Việt Nam vẫn ổn định ở mức cao.

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm xuống mức thấp của hơn 2 tháng trong tuần này do đồng baht suy yếu và nhu cầu giảm, trong khi giá gạo Việt Nam vẫn ổn định gần mức cao của nhiều tháng do lo ngại nguồn cung.

Giá gạo Thái 5% tấm được giao dịch ở mức 410-420 USD/tấn, giảm so với mức 415 -425 USD/tấn trong tuần trước đó. Các nhà giao dịch cho rằng giá gạo giảm là do nhu cầu không rõ ràng trên thị trường nước ngoài và trong nước.

Đồng baht Thái được giao dịch gần mức thấp nhất kể từ năm 2006 so với đồng USD, do những lo ngại dai dẳng về tăng trưởng toàn cầu và suy thoái.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi ở mức 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.

Các thương nhân cho biết một vụ thu hoạch nhỏ đang bắt đầu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng mưa dai dẳng đang làm cản trở tiến độ thu hoạch. Bên cạnh đó, vụ Thu-Đông sẽ chưa được thu hoạch cho đến cuối tháng này.

Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 265.250 tấn gạo sẽ được xuất cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 1-22/10, trong đó phần lớn gạo được xuất sang các nước Philippines, châu Phi và Bangladesh.

Giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được báo giá ở mức 374-382 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước do lo ngại về mưa lớn làm ảnh hưởng đến sản lượng.

Lượng mưa lớn ở Ấn Độ đã làm hư hại lúa gạo ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh.

Ấn Độ sẽ cho phép xuất khẩu gạo tấm ra nước ngoài với khối lượng 397.267 tấn được hỗ trợ bằng thư tín dụng (LC) được phát hành trước ngày 8/9.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 14/10, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) đều giảm, trong đó giá lúa mì giảm nhiều nhất.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 giảm 8 xu Mỹ (1,15%) xuống 6,8975 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 giảm 32,5 xu Mỹ (3,64%) xuống 8,5975 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2022 giảm 12 xu Mỹ (0,86%) xuống 13,8375 USD/bushel (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT đều giảm do đồng USD mạnh lên và do các nhà giao dịch quan ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào đầu tháng 11/2022.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) đều giảm, trong đó giá lúa mì giảm nhiều nhất.

Lưu lượng trên sông Mississippi của Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong 2-3 tuần tới. Chi phí sà lan sẽ vẫn ở mức cao trong lịch sử, do đó sẽ gây áp lực lên giá thầu cơ bản trong nước. Nhu cầu ngô và lúa mì xuất khẩu của Mỹ rất lớn. Nếu thời tiết ở Brazil thuận lợi và giá đậu tương trên sàn CBOT không tăng, công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago sẽ bán ngô, đậu tương và lúa mì trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn.

Doanh số xuất khẩu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 6/10 là 7,8 triệu bushel lúa mỳ, 7,9 triệu bushel ngô và 26,6 triệu bushel đậu tương. Cho đến nay, doanh số bán lúa mì của Mỹ ở mức 409 triệu bushel, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán ngô của Mỹ ở mức 528 triệu bushel, giảm 51% và doanh số bán đậu tương của Mỹ đạt 1,037 triệu bushel, tăng 6,4%.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố doanh số bán hàng mới, trong đó 392.000 tấn đậu tương Mỹ được bán cho Trung Quốc và 198.000 tấn được vận chuyển tới một điểm đến chưa xác định. Trung Quốc đã tích cực mua đậu tương Mỹ để dự trữ.

Ngoại trừ Vùng đồng bằng phía Nam, thời tiết khô ráo trên khắp miền Trung Mỹ với lượng mưa hạn chế vào cuối tháng 10/2022. Vụ thu hoạch ngô và đậu tương của Mỹ sẽ được thúc đẩy nhanh chóng. Nhiệt độ sẽ lạnh dần lên trong tuần tới, trong đó phần lớn vụ trồng trọt ở khu vực miền Trung Mỹ sắp kết thúc.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên của Việt Nam giảm thêm 700 - 800 đồng, xuống dao động trong khung  44.700 - 45.300 đồng/kg.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Giá cà phê Robusta giao tháng 11/2022 giảm 38 USD xuống 2.061 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 giảm 46 USD xuống 2.051 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm thêm 5,45 xu Mỹ xuống 196,70 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 giảm 3,05 xu My xuống 193,00 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch rất cao.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên của Việt Nam giảm thêm 700 - 800 đồng, xuống dao động trong khung  44.700 - 45.300 đồng/kg.

Giá cà phê hai sàn tiếp tục giảm sâu khi các quỹ đầu cơ mạnh tay thanh lý trước đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 11/2022 do lo ngại rủi ro tăng cao trước áp lực của của lãi suất và nguồn cung hứa hẹn dồi dào.

Các thị trường hàng hóa nói chung tiếp tục suy yếu sau các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ vượt quá mong đợi đã gây áp lực buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất ở mức cao trong một kịch bản có thể xảy ra suy thoái toàn cầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo mức lạm phát cao sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên khó khăn, không dễ để quản lý và cơ quan này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 từ mức 2,9% đưa ra hồi tháng 7/2022 xuống 2,7%, trong bối cảnh các nền kinh tế hàng đầu đang bị chững lại và các quốc gia khu vực Eurozone đang quay cuồng với khủng hoảng khí đốt và năng lượng.

Trong khi đó, việc sa thải Bộ trưởng Tài chính Vương Quốc Anh có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và cũng không ngăn cản được đồng bảng suy yếu.

Xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục giảm 

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 9/2022, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam giảm tháng thứ 3 liên tiếp, đạt 13,86 nghìn tấn, trị giá 56,83 triệu USD, giảm 25,8% về lượng và giảm 25,3% về trị giá so với tháng 8/2022, so với tháng 9/2021 giảm 9,1% về lượng và giảm 7,7% về trị giá.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 174,53 nghìn tấn, trị giá 770,44 triệu USD, giảm 18% về lượng, nhưng tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 9/2022, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 4.099 USD/tấn, tăng 0,7% so với tháng 8/2022 và tăng 1,5% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 4.414 USD/tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 9/2022 so với tháng 9/2021, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Hoa Kỳ, Nga. 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Đức, Anh giảm, nhưng xuất khẩu sang Ấn Độ, Hà Lan, Hàn Quốc, Philippines, Nga, Thái Lan tăng.

Hiện, giá hồ tiêu đen trong nước giảm mạnh, xuống gần ngưỡng 60.000 đồng/kg, trong bối cảnh xuất khẩu giảm và thị trường đang có dấu hiệu xả hàng nhằm thu hồi vốn phục vụ cho sản xuất vụ mùa mới. Giá hồ tiêu trắng ở mức 109.000 đồng/ kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 9/2022 và thấp hơn so với mức 120.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu hồ tiêu được dự báo vẫn nhiều khó khăn trong bối cảnh giá hồ tiêu thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm do nhu cầu giảm ở nhiều quốc gia, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc và đồng USD neo cao đang kìm hãm xuất khẩu các nước.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện lượng hồ tiêu tồn kho ở Việt Nam ước đạt 80.000 – 100.000 tấn, khối lượng tương đối cao. Thương lái Trung Quốc và các nhà xuất khẩu hồ tiêu lớn ở Việt Nam đang trong trạng thái chờ đợi. Thời điểm hiện tại, giá hồ tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Hoa Kỳ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.

Hương Anh (tổng hợp)