Xu hướng thị trường

Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê xuất khẩu kỳ vọng lập lại ngưỡng 3 tỷ USD

Giá cà phê phục hồi tăng 200 đồng/kg; Gạo Thái Lan chạm mức giá cao nhất trong hơn 1 tháng... là những tin tức nổi bật của thị trường nông sản tuần qua.

Giá gạo Thái Lan lên cao nhất trong hơn một tháng

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã chạm mức cao nhất của hơn một tháng trong phiên ngày 25/11 sau khi lượng đơn đặt hàng tăng và đồng baht Thái mạnh lên. Trong khi đó, các thương nhân tại Việt Nam cho biết nguồn cung thấp nhưng đơn hàng cũng ít hơn từ Philippines.

Gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 390-403 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 14/10 so với mức giá 385-395 USD/tấn một tuần trước.

Giá tăng đã thúc đẩy nhiều nhà xuất khẩu trong nước mua và tích trữ để làm tăng giá. Đồng baht mạnh so với USD cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy giá gạo tăng.

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm không đổi ở mức 425-430 USD/tấn. Philippines, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, đang thực hiện những bước tạm thời hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam do một vụ thu hoạch lớn trong nước.

Tuy nhiên, các thương nhân cho biết họ không kỳ vọng điều đó sẽ ảnh hưởng lớn xuất khẩu gạo của Việt Nam, nơi nguồn cung đang cạn dần và vụ thu hoạch dự kiến phải đến cuối tháng 2 và đầu tháng 3.

Tại Ấn Độ giá gạo xuất khẩu ổn định sau 2 tuần giảm liên tiếp. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không đổi tại 354 tới 360 USD/tấn, sau khi nguồn cung tăng từ vụ hè thu.

Tại Bangladesh giá gạo trong nước tăng bất chấp nhập khẩu mạnh và mùa màng tốt. Bangladesh đã nhập khẩu gần 800.000 tấn gạo kể từ tháng 7, chủ yếu từ Ấn Độ.

Giá nông sản Mỹ biến động trái chiều

Trong phiên giao dịch cuối tuần 26/11, giá các mặt hàng nông sản tại sàn giao dịch nông sản Chicago (Mỹ) CBOT biến động trái chiều, trong đó giá ngô tăng, còn giá đậu tương và lúa mỳ giảm. Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2022 tăng 6,25 xu Mỹ (1,07%) xuống 5,9175 USD/bushel.

Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 1/2022 giảm 13,75 xu Mỹ (1,09%) xuống 12,5275 USD/bushel, còn giá lúa mỳ giao tháng 3/2022 để mất 10 xu Mỹ (1,18%) xuống 8,4025 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho hay biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Nam Phi đang gây ra tâm lý lo sợ cho các nhà đầu tư. Vẫn chưa rõ tác động của biến thể này lên nền kinh tế ra sao.

Trong tuần kết thúc ngày 18/11, Mỹ đã xuất khẩu được 20,9 triệu bushel lúa mỳ, 56,3 triệu bushel ngô và 57,3 triệu bushel đậu tương. Doanh số bán lúa mỳ và đậu tương cao hơn dự báo của nhà giao dịch, còn ngô vẫn đạt kỳ vọng. Trung Quốc tiếp tục đảm bảo việc mua đậu tương vào cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 1/2022. Cho đến nay, Mỹ đã bán 523 triệu bushel lúa mỳ, giảm 10% so với cùng kỳ; 1.354 triệu bushel ngô, giảm 10% và 1.329 triệu bushel đậu tương, giảm 31%.

Giá cà phê xuất khẩu kỳ vọng lập lại ngưỡng 3 tỷ USD

Ghi nhận từ thị trường, giá cà phê trong nước ngày 26/11 phục hồi tăng trở lại thêm 200 đồng/kg. Giá cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 41.400 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 40.500 đồng/kg. Giá cà phê tại Gia Lai tăng 200 đồng/kg, giá ở Pleiku là 41.300 đồng/kg và tại Ia Grai giao dịch quanh mức 41.100 đồng/kg. Giá cà phê giao tại cảng Tp. Hồ Chí Minh tăng 200 đồng/kg, dao động ở ngưỡng 42.700 đồng/kg...

Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, chu kỳ 10 năm của ngành hàng cà phê đang quay trở lại. Dự báo giá cà phê sẽ đạt đỉnh vào cuối năm. Tuy nhiên, để giá cà phê quay về thời hoàng kim 46.000 - 47.000 đồng/kg còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới và thời tiết của các nước trồng cà phê lớn trên thế giới.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam phân tích, nếu xét về giá cà phê xuất khẩu thì năm 2011 lập đỉnh cao nhất là 2.600 USD/tấn, hiện nay giá cà phê chỉ mới đạt mức 2.370 USD/tấn, còn thiếu 230 USD nữa mới đạt mức đỉnh năm 2011. Đặc biệt, ở thời điểm hiện nay chỉ có Việt Nam bắt đầu vào vụ thu hoạch. Chính vì vậy, đây là cơ hội để đàm phán giá cả hợp đồng xuất khẩu rất thuận lợi vì chỉ có Việt Nam “một mình một chợ”.

Xuất khẩu cà phê tháng 11 và 12/2021, mỗi tháng sẽ đạt sản lượng khoảng 130.000 tấn. Nếu vẫn giữ được giá cao như hiện nay, có thể đem về thêm 600 triệu USD trong 2 tháng cuối năm, để đưa kim ngạch cà phê cả năm lập lại ngưỡng 3 tỷ USD.

Theo các nhà phân tích thị trường, khảo sát giá cà phê thế giới sáng ngày 26/11 giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 tăng 11 USD/tấn ở mức 2.292 USD/tấn, giao tháng 3/2022 tăng 6 USD/tấn ở mức 2.228 USD/tấn.

Thị trường London hôm nay đóng cửa nghỉ sớm, giá cà phê robusta được điều chỉnh tăng trở lại, sau phiên giảm ngày hôm trước do suy đoán của thị trường về vụ thu hoạch mùa mới của nhiều nhà cung cấp hàng đầu thế giới và dự đoán sản lượng tăng từ USDA.

"Giá robusta tuy tăng nhưng sàn London giao dịch cầm chừng, hiện tượng "vắt giá" vẫn duy trì và trên sàn này vẫn chưa vào vùng mua quá mức. Thông tin về hàng cà phê vụ mới vẫn ảnh hưởng chủ yếu trên sàn London"- các nhà đầu tư phân tích.

Trong khi đó trên sàn New York tạm nghỉ giao dịch ngày lễ Tạ ơn, giá cà phê arabica giao tháng 12/2021 giữ ở mức 246,3 cent/lb, giao tháng 3/2022 ở mức 245,4 cent/lb. Giới phân tích thị trường cho rằng, cà phê arabica vẫn giữ đà tăng do lo lắng nguồn cung toàn cầu sụt giảm khi Vành đai cà phê Thái Bình Dương sẽ xuất hiện nhiều mưa, gây bất lợi cho nhiều quốc gia sản xuất, nhưng lại gây khô hạn cho vùng cà phê arabica chính ở phía Đông Nam Brazil.

Thị trường vẫn bị cản trở bởi lo lắng về tình trạng thiếu hụt container vận chuyển tại Brazil, lo ngại về nông dân không giao hàng tại các quốc gia sản xuất quan trọng và dự trữ của sàn ICE giảm.

Theo nguồn tin từ Hiệp hội Các nhà xuất khẩu cà phê Brazil, thị trường Brazil có thể chậm trễ trong việc giao khoảng 5 triệu bao cà phê đã hợp đồng bán trước cuối năm 2021. Nguyên nhân là giá kỳ hạn và giá nội địa đang có xu hướng tăng cao, khiến người trồng cà phê nước này có động thái giữ hàng đã thu hoạch.

Theo Công ty tư vấn Archer Consulting, Brazil chỉ có thể xuất khẩu 21 triệu bao cà phê trong niên vụ 2021-2022, giảm tới 55% so với niên vụ 2020-2021 do nguồn cung cạn kiệt. 

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Chia sẻ về kết nối tiêu thụ nông sản cho các HTX tại diễn đàn "Kết nối gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong điều kiện bình thường mới" tổ chức ngày 27/11, ông Vũ Hồ Vũ, Giám đốc điều hành Công ty CP đầu tư Digital Kingdom (DGK), cho rằng kết nối thương mại điện tử nông sản trên cổng lockchain chuyển đổi số HTX nông nghiệp; sàn thương mại điện tử sẽ là giải pháp phù hợp trong khu vực kinh tế tập thể.

Qua sử dụng, công nghệ blockchain doanh nghiệp này đang sử dụng có thể chứng minh được quy mô, năng lực sản xuất cũng như truy xuất được nguồn gốc sản phẩm của HTX.

Cũng theo ông Vũ, công nghệ này đang được ứng dụng tại 59 đơn vị với 160 cán bộ địa phương và hơn 600 cán bộ HTX đã sử dụng. Nhờ việc chuyển đổi số này trong dịch Covid-19 vừa qua đã có hơn 2.500 tấn sầu riêng, 100 tấn khoai lang, 80 tấn bưởi, và 200 tấn xoài, chôm chôm, vải… được hỗ trợ tiêu thụ với tổng giá trị đơn hàng lên tới hơn 300 tỉ đồng.

Đại diện HTX rau quả Trúc Sơn (Hà Nội) chia sẻ, doanh thu năm 2021 dự kiến đạt 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020 và thu nhập các hội viên đều tăng lên ngay trong bối cảnh nhiều ngành nghề chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Sự tăng trưởng này đến từ việc HTX ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng dữ liệu thông tin, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản.

HTX này cũng xây dựng website, liên kết và tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, kết nối thuận tiện dễ dàng hơn với các doanh nghiệp, chuỗi bán lẻ nên rau quả sản xuất ra vẫn được tiêu thụ bình thường.

Đại diện HTX rau quả Trúc Sơn đề nghị được tư vấn, hỗ trợ nhiều hơn về giải pháp chuyển đổi số để tối ưu quy trình sản xuất cũng như tập huấn kỹ năng bán hàng, giới thiệu các địa chỉ kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Tuệ Minh (tổng hợp)