Tiêu dùng & Dư luận

Thị trường khẩu trang "sôi sùng sục", nhiều nước cấm xuất khẩu khẩu trang

Thời điểm này có tiền cũng chưa chắc mua được khẩu trang. Mặt hàng này khan hiếm tới mức có quốc gia đã cấm xuất khẩu khẩu trang ra nước ngoài.

Video khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và khẩu trang cháy hàng ở Trung Quốc

Thị trường khẩu trang “sôi sùng sục”

Nói không ngoa thì trong những ngày này, từ khóa được khắp nơi lan truyền nhiều nhất là “virus corona” và “khẩu trang”.

Hiện, riêng tại Trung Quốc tại thời điểm sáng 31/1 đã có 213 người tử vong và 9.356. ca mắc bệnh viêm phổi do virus corona.

Ngoài Trung Quốc, dịch bệnh đã xuất hiện ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ (Nepal, Ma Cao, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Hồng Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hoa Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Phần Lan, Ý, Canada). 

Tại Việt Nam, chiều 30/1, Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xác định 3 trường hợp là công dân Việt Nam dương tính với virus Corona. Trong đó, có 2 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 và cơ sở 2; 1 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nhắc lại 2 trường hợp người Trung Quốc mắc bệnh tại Việt Nam (1 đã khỏi, trường hợp còn lại tiến triển tốt); 32 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly theo dõi, điều trị chờ kết quả khẳng định; 65 trường hợp nghi ngờ đã được xét nghiệm loại trừ; 43 trường hợp tiếp xúc đang được theo dõi, giám sát.

Trong bối cảnh virus corona ngày càng lan rộng, mặt hàng khẩu trang được lùng sục hơn bao giờ hết.

Theo khảo sát của phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin, thị trường khẩu trang những ngày này đang cực “nóng”. Tại chợ thuốc Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội), hầu hết tất cả các gian hàng đều chật kín người tới hỏi mua khẩu trang. Các giao dịch lên tới cả chục nghìn chiếc chứ không bán lẻ.

Chị Hoàng Thị Luyến, chủ một nhà thuốc trên đường Đỗ Quang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mùng 4 cửa hàng chị đã mở bán khai xuân. Cũng kể từ hôm đó tới nay, hầu hết thời gian chỉ để bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn y tế và thuốc tăng cường miễn dịch.

“Thật kinh khủng! Chưa khi nào thị trường khẩu trang lại khan hiếm như bây giờ. Tôi đã liên hệ với rất nhiều đơn vị cung cấp khẩu trang nhưng họ cũng không còn hộp nào.

Thậm chí, liên hệ với rất nhiều bên cũng chỉ mua được mấy chục hộp. Cơ mà vừa nhập về còn chưa xếp lên giá thì đã mấy người tới hỏi mua. Mấy chục hộp hết vèo trong khoảng 15 phút”, chị Luyến cho biết.

Tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, có tiền chưa chắc mua được khẩu trang.

“Sáng hôm qua em mới chỉ bán được mấy chục chiếc mà không ngờ tới chiều, khách nườm nượp tới hỏi mua khẩu trang. Riêng chiều qua em đã bán tới 50 hộp khẩu trang loại 50 chiếc/hộp.

Do em không tích trữ hàng nên giờ còn không có mà bán, đành gom mỗi nơi một tí, cả ngày tìm khắp nơi cũng chỉ được chục hộp, bán hết trong một nốt nhạc”, bạn Nguyễn Thu Phương, chủ nhà thuốc ở đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Nếu thâm nhập vào thị trường khẩu trang những ngày này mới thấy các trình dược viên đang làm việc hết công suất.

Chị Lan Anh, một trình dược viên chia sẻ với báo Người Đưa Tin: “Giờ các trình dược viên gần như chỉ tập trung bán khẩu trang, thuốc sát khuẩn và găng tay thôi.

Từ ngày mùng 5, nhu cầu tăng cao đột biến. Như tôi có nhiều khách hàng lấy một đơn hàng tới cả mấy chục triệu tiền khẩu trang.

Hàng bán chạy nhưng lại không có mà bán. Các nhà máy sản xuất đều thông báo phải 4-5 ngày tới mới sản xuất tiếp được vì hết nguyên liệu và dây chuyền tê liệt do hoạt động quá công suất”.

Cũng theo chia sẻ của chị Lan Anh, trong các loại khẩu trang, loại 3M của Đức là được ưa chuộng hơn cả vì có tác dụng cao trog việc phòng ngừa virus và bụi mịn. Tuy nhiên, hàng chất lượng tương đương với giá cao.

“Khẩu trang 3M 9001 bán ra khá đắt, trung bình 90.000 - 100.000 đồng/chiếc nhưng cũng không có mà mua”, anh Hải, chủ nhà thuốc ở Trung Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.

Cấm xuất khẩu khẩu trang

Không riêng gì Việt Nam, mặt hàng khẩu trang cũng đang trở nên vô cùng khan hiếm tại nhiều nước trên thế giới

Người dân quận Cửu Long ở Hong Kong (Trung Quốc) phải xếp hàng tới 7 giờ trước các nhà thuốc để mua khẩu trang. Chờ đợi mỏi mòn nhưng nhiều người chờ được đến lượt thì khẩu trang đã bị bán hết sạch.

Ở Hàn Quốc, các nhà cung cấp khẩu trang đang tăng cường sản xuất. Nhiều nhà máy hoạt động liên tục 24/24.

“Chúng tôi đang chia 2-3 ca để duy trì sản xuất liên tục, tuy nhiên công suất của chúng tôi có hạn”, lãnh đạo Kukje Pharma, một hãng sản xuất khẩu trang Hàn Quốc, cho biết.

Công ty này nhận đặt hàng “hàng chục triệu chiếc khẩu trang” kể từ ngày 24/1. Trong khi đó, tại Trung Quốc, hàng loạt nhà máy khẩu trang hoạt động xuyên Tết Nguyên Đán, công nhân không được nghỉ lễ.

Tại nhiều nơi trên thế giới, các nhà máy sản xuất khẩu trang đang hoạt động hết công suất.

CMmask, công ty khẩu trang kiểm soát 30% thị trường Trung Quốc, nhận đơn đặt hàng 5 triệu chiếc/ngày, cao gấp 10 lần mức thông thường. Ông Hu Qinghui, Phó giám đốc CMmask, cho biết kho dự trữ 10 triệu chiếc của công ty đã cạn sạch hồi tuần trước.

CMmask phải hoạt động xuyên Tết và triệu hồi 130 công nhân trở lại làm việc và phải trả cho họ mức lương cao gấp 3 lần bình thường.

Tuy nhiên, Nhân Dân nhật báo cho biết chỉ 40% nhà máy khẩu trang Trung Quốc - đáp ứng 50% nhu cầu toàn cầu - đang hoạt động. Trong khi đó, nhu cầu khẩu trang toàn cầu đang tăng vọt từng ngày.

Pardam, nhà sản xuất khẩu trang CH Czech, cũng cho biết các đơn đặt hàng từ châu Á và châu Âu đang tăng nhanh những ngày qua.

Ông Pavel Malus, đại diện Hiệp hội Công nghệ Nano CH Czech, mô tả nhu cầu khẩu trang tăng vọt tới 57.000% chỉ trong 4 ngày qua. “Nhu cầu quá lớn, không công ty nào có thể đáp ứng nổi”, ông nói.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhà sản xuất Era Respiratory Masks cho biết các nhà máy của hãng đã hoạt động hết công suất kể từ khi nhận đơn đặt hàng từ Trung Quốc hồi giữa tuần.

Era cũng nhận được đơn đặt hàng từ Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, Gruzia, Armenia và Ai Cập. “Chúng tôi không thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả khách hàng”, đại diện Era thừa nhận.

Hiện nhiều nhà bán lẻ đang tích trữ khẩu trang, đẩy giá mặt hàng này tăng cao. Đài Loan mới đây ra lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang loại chuyên dụng trong 1 tháng.

NTUC Fairprice, chuỗi siêu thị lớn nhất Singapore, đã hạn chế số lượng khẩu trang bán ra cho từng khách hàng.