Tài chính - Ngân hàng

Thị trường kém sắc, Chứng khoán SSI tiếp tục báo lợi nhuận đi lùi

Thị trường chứng khoán quý đầu năm 2023 chưa hồi phục khiến lợi nhuận của “ông lớn” SSI sụt giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 480 tỷ đồng.

CTCP Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI) mới đây đã công bố báo cáo tài chính riêng quý I/2023. Theo đó doanh thu hoạt động của công ty đạt hơn 1.457 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ.

Theo SSI lý giải, quy mô giao dịch của thị trường giảm mạnh dẫn đến doanh thu môi giới và hoạt động cho vay giảm lần lượt 107% và 66% so với quý I/2022, đạt mức 257 tỷ đồng và 338 tỷ đồng. Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng ghi nhận mức giảm nhẹ 14,6 xuống gần 112 tỷ đồng.

Trong khi lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 10,2% nhờ tăng trưởng đáng kể trong hoạt động đầu tư giấy tờ có giá. Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn gần 112 tỷ đồng.

Cùng chiều doanh thu, chi phí hoạt động của SSI giảm mạnh so với cùng kỳ, từ mức 783,8 tỷ đồng của quý I/2022 xuống còn 375,5 tỷ đồng trong quý này năm nay.

Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, Chứng khoán SSI ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm gần 30% xuống 480 tỷ đồng, tuy nhiên đây là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 4 quý gần đây, gấp hơn 2 lần quý cuối năm 2022.

Trong năm 2023, SSI đặt chỉ tiêu doanh thu 6.917 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện của 2022, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 20% lên mức 2.540 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành 21% doanh thu và 23,2% lợi nhuận kế hoạch năm.

Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của SSI đạt con số 52.104 tỷ đồng, tăng không đánh kể so với hồi đầu năm 2023, tuy nhiên khoản mục tiền và tương đương tiền giảm tới hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 77 tỷ đồng.

Chiếm phần lớn cơ cấu tài sản chính là 30.921 tỷ đồng tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), 11.118 tỷ đồng các khoản cho vay và 4.603 tỷ đồng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (AFS).

Trong đó, SSI đang nắm giữ 452 tỷ đồng cổ phiếu và chứng khoán niêm yết (MBB, SGN, VPB, FPT,…), 27 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết cho hoạt động phòng ngừa rủi ro chứng quyền (MBB, VPB, VRE,…).

Ngoài ra công ty còn nắm giữ 560 tỷ đồng chứng chỉ quỹ, 241 tỷ đồng trái phiếu niêm yết, 11.251 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết và 18.376 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi.

Ở danh mục các khoản cho vay, dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán của khách hàng tại quý I đạt 11.118 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với còn số hồi đầu năm, trong đó gốc cho vay hoạt động ký quỹ (margin) đạt 10.950 tỷ đồng, tăng nhẹ 700 triệu đồng, nhưng khoản ứng trước tiền bán của khách giảm 10% còn 167 tỷ đồng.

Thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo của SSI trong quý đầu năm 2023 đạt 11,53%, tăng 1,57% so với quý trước, đồng thời ghi nhận mức tăng thị phần tốt nhất trong các công ty chứng khoán. Số lượng tài khoản mở mới của SSI trong quý I/2023 gấp 1,5 lần so với quý IV/2022.

Biểu đồ định giá thị trường trong vòng 6 tháng qua (Nguồn: Fiintrade).

Đánh giá về tình hình thị trường, Chứng khoán SSI cho biết, sau những nhịp giảm sâu trong năm 2022, thị trường chứng khoán bước sang năm 2023 với sự pha trộn của cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực.

Định giá của thị trường hiện đã hấp dẫn hơn so với năm 2022, cùng với đó là sự hỗ trợ từ Chính phủ và NHNN để ổn định thị trường vĩ mô như ban hành Nghị định 08 về sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch và chào bán trái phiếu; Nghị quyết 33 về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản, hay việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành…

Tuy nhiên, các rủi ro hiện hữu về trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản hay rủi ro về thanh khoản sụt giảm sẽ vẫn tạo ra các thách thức cho thị trường trong thời gian tới.

Tính đến hết quý 1/2023, chỉ số VN-Index tăng 5,7% so với thời điểm cuối năm 2022, đạt 1.064,64 điểm. Nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng khi thanh khoản trung bình ngày trên cả 3 sàn chỉ đạt 11.422 tỷ đồng, giảm 19% so với quý trước.