Tài chính - Ngân hàng

Thị trường hàng không Việt trước khi Vinpearl Air gia nhập: Cuộc chơi của tỷ phú và "ông kẹ"

Thị trường hàng không Việt Nam đang là cuộc chơi chính của 3 ông lớn Vietnam Airlines, Vietjet Air của tỷ phú Phương Thảo và Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết. Mới đây lại thêm tân binh Vinpearl Air với hình bóng "ông chủ giàu nhất Việt Nam" Phạm Nhật Vượng hứa hẹn sẽ là sự cạnh tranh hết sức khốc liệt...

Chỉ trong một buổi chiều, sau khi giấy phép đăng ký kinh doanh của CTCP Hàng không Vinpearl Air được tiết lộ trên các phương tiện truyền thông, nhiều người cho rằng sẽ sớm có thêm một hãng hàng không mới gia nhập thị trường Việt.

Mặc dù, cho đến hiện nay, tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn chưa có thông tin phản hồi chính thức về việc Vinpearl Air có liên quan hay không đến hoạt động của tập đoàn, nhưng thông cáo báo chí mà Vingroup phát đi trong buổi tối cùng ngày về việc tuyển sinh lứa phi công đầu tiên ngay trong tháng 8/2019 cũng đã hé lộ nhiều thông tin. 

Xét về tiềm năng của thị trường hàng không Việt hiện nay cùng với phong cách tạo nên "hệ sinh thái" khép kín từ nhà ở Vinhomes, xe VinFast, điện thoại Vinsmart, mua sắm Vincom, tiêu dùng Vinmart... việc Vingroup lấn sân sang lĩnh vực hàng không là điều dễ hiểu.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng khách du lịch hàng không tại Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á. Trong đó giai đoạn 2016-2021, Việt Nam có tăng trưởng kép ở mức 17,4% so với trung bình Asean là 6,1%. Dự đoán của tổ chức này cũng chỉ ra mức tăng trưởng 2016-2026 của Việt Nam thậm chí còn cao hơn 20%.

Tăng trưởng khách du lịch hàng không tại Việt Nam hiện đang đứng đầu Đông Nam Á.

Cũng nhận định tích cực, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

Tuy hình bóng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên bầu trời Việt mới chỉ được hé lộ qua một tờ giấy đăng ký kinh doanh, nhưng người tiêu dùng Việt có quyền hy vọng trong thời gian sắp tới, sẽ có những máy bay mang biểu tượng chữ V cách điệu bay trên bầu trời.

Nên nhớ, cũng chính Vingroup chỉ mất 21 tháng kể từ ngày khởi công đến khi vận hành chính thức tổ hợp nhà máy VinFast, và xây tổ hợp Landmark 81 tầng trong vòng 1.000 ngày. 

Thêm một thành viên tham gia thị trường, "chiếc bánh" thị phần sẽ phải chia lại, đồng thời các đối thủ cũng cần thay đổi cách thức hoạt động của mình để tăng sức hấp dẫn với người tiêu dùng. Nhìn toàn cảnh, thị trường hàng không Việt hiện đang là cuộc chơi của 2 tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và Trịnh Văn Quyết cùng "ông kẹ" Vietnam Airlines. 

Vietjet Air

Năm 2018 thị phần của Vietjet Air đã tăng lên 44%, lớn nhất trong số các hãng hàng không hiện có.

Sau hơn 6 năm kể từ khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã vươn lên trở thành hãng hàng không có thị phần nội địa lớn nhất, vượt qua Vietnam Airlines và Jetstar Pacific.

Năm 2018 thị phần của Vietjet Air đã tăng lên 44%, vươn lên vị trí là hãng hàng không hàng đầu tại Việt Nam.

Năm 2018, đội hình bay của hãng hàng không Vietjet được Planespotter ghi nhận gồm 64 chiếc. Trong số này, dòng A320 chiếm 23 chiếc, và dòng 321 là 43 chiếc.

Cũng theo Planespotter, trong 64 chiếc này, số máy bay Vietjet sở hữu hiện chưa đến 1/3. Số còn lại hơn 40 tàu bay đều được Vietjet thuê lại.

Đầu tháng 11/2018, nhân dịp Thủ tướng Pháp thăm Việt Nam, Vietjet đã khai trương hoạt động Học viện Hàng không. Cơ sở đào tạo này có quy mô lớn và hiện đại, được trang bị tổ hợp buồng lái mô phỏng (SIM) hợp tác với Airbus. Cơ quan An toàn hàng không châu Âu - EASA đánh giá và phê chuẩn đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Năm 2018, doanh thu từ vận tải hành khách của hãng tăng tới 48%, mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay, đạt 25.031 tỉ đồng. Doanh thu từ hoạt động phụ trợ của hãng cũng đạt 8.370 tỉ, tăng 53% so với năm trước đó.

Vietjet Air khai thác 118.923 chuyến, trong đó có 18.746 chuyến bị chậm cùng với 146 chuyến phải hủy. Chậm và hủy chuyến chiếm 15,8%.

Vietjet Air có ưu thế về giá rẻ nhưng liên tục bị khách hàng phàn nàn, phản ánh về việc chậm chuyến, huỷ chuyến và thái độ phục vụ khách hàng. Đây là một điểm yếu khó khắc phục đối với hãng hàng không "bikini" này trong điều kiện tốc độ mở rộng kinh doanh của hãng ngày càng nhanh.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines

Năm 2018, lần đầu tiên doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines vượt ngưỡng 100.000 tỷ đồng

Vietnam Airlines vốn là "anh cả" của ngành hàng không Việt, sau khi có sự xuất hiện của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air, thị phần của hãng này bị lép vế hơn hẳn, hiện đang chiếm khoảng 36% thị phần. 

Năm 2018 là năm đầu tiên doanh thu hợp nhất của Tổng công ty vượt mức 100.000 tỷ đồng, ước đạt khoảng 102.000 tỉ đồng, tăng trưởng 22% so với năm 2017.

Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt gần 2.800 tỉ đồng, giảm 11% so với năm ngoái. Với kết quả này, Vietnam Airlines vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế của cả năm gần 16%.

Cũng trong năm vừa rồi, Vietnam Airlines khai thác 128.236 chuyến, dẫn đầu với tổng số chuyến bay đúng giờ trong năm với 114.446 chuyến. Số chuyến chậm 13.790 chuyến, chiếm tỉ lệ 10,8% và hủy 274 chuyến.

Dự kiến đến năm 2020, tổng đội bay của Vietnam Airlines sẽ được năng lên khoảng 110 chiếc.

Tỷ lệ bay đúng giờ cao hơn, thái độ phục vụ tốt hơn, tuy nhiên lợi thế của Vietnam Airlines sẽ khó so sánh được với các chương trình khuyến mãi 0 đồng, giá vẻ máy bay rẻ hơn cả xe khách của Vietjet Air.

Jetstar Pacific

Thị phần của Jetstar Pacific năm 2018 chiếm 13,9%

Tính đến cuối năm 2018, quy mô JPA đã được mở rộng hơn với đội bay gồm 15 chiếc A320 (có 150-180 ghế), tuổi trung bình 5,05 tuổi. Mạng bay của hãng gồm 22 điểm đến, trong đó có 16 điểm đến trong nước và 6 điểm đến quốc tế: Bangkok (Thái Lan), Singapore, Hongkong, Taipei, Quảng Châu (Trung Quốc), Kansai (Nhật Bản).

Thị phần của hãng năm 2018 chiếm 13,9%. Tuy nhiên Jetstar Pacific khai thác 35.833 chuyến thì có đến 6.636 chuyến chậm và 168 chuyến huỷ. Tỉ lệ chậm và huỷ chuyến của hãng này cũng cao nhất so với các hãng còn lại, là 18,5%.

Riêng về tỉ lệ chậm của Jetstar Pacific là 21,9% (3.969 chuyến) - cao nhất trong tất cả các hãng bay hiện nay. Chậm chuyến của Jetstar Pacific do máy bay về muộn chiếm tới 16,4% (2.974 chuyến).

Bamboo Airways

"Tân binh" Bamboo Airways của tập đoàn FLC có chuyến bay thương mại đầu tiên vào giữa tháng 1/2019 và là hãng hàng không thứ 5 của Việt Nam.

Tính đến đầu tháng 3/2019, hãng đã thực hiện hơn 1.000 chuyến bay và hiện khai thác 17 đường bay nội địa. Tuy mới đưa vào khai thác ở quý I/2019 nhưng hiện tại thị phần của Bamboo Airways đã chiếm 4,2%.

Kể từ khi thành lập tới nay, Bamboo Airways liên tục ghi điểm vì tỷ lệ bay đúng giờ cao nhất. Tuy nhiên tham vọng của tỷ phú Trịnh Văn Quyết sớm gặp khó khăn do một số đường bay phải tạm dừng do ít khách, đồng thời quyết định lựa chọn thị trường ngách, quy mô vốn điều lệ chỉ có 700 tỷ đồng - chỉ được khai thác tối đa 10 tàu bay cũng là một thách thức lớn nếu muốn mở rộng quy mô hoạt động.

Năm 2019, Bamboo Airways dự kiến sẽ nâng tổng số máy bay lên 40-50 chiếc,

Đình Văn