Thế giới

Thị trường giao đồ ăn tại Đông Nam Á sẽ đạt 28 tỷ USD vào năm 2025

Nghiên cứu chỉ ra rằng 87% người dùng hiện tại có khả năng sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ này, ngay cả khi các hạn chế liên quan đến Covid-19 được nới lỏng.

Theo báo cáo về một nghiên cứu chung của ứng dụng Grab và công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International có trụ sở tại London (Anh), các giao dịch liên quan đến giao nhận đồ ăn ở Đông Nam Á sẽ đạt giá trị 28 tỷ USD vào năm 2025.

Như vậy, giá trị của thị trường giao nhận đồ ăn ở Đông Nam Á sẽ tăng hơn gấp 3 lần so với con số được ghi nhận vào năm 2020 (9 tỷ USD).

Mức tăng trưởng dự kiến trong hơn bốn năm tới có thể sẽ được dẫn dắt bởi các thị trường mới nổi như Myanmar, Việt Nam và Philippines. Những thị trường này được dự đoán sẽ chứng kiến tổng giá trị ngành dịch vụ giao đồ ăn của họ tăng trưởng lần lượt là 36,2%, 35,8% và 32,2%.

Dịch vụ giao nhận đồ ăn trực tuyến bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, và dự kiến vẫn sẽ phát triển sau khi các hạn chế liên quan tới Covid-19 được nới lỏng. Ảnh: UpMenu

Báo cáo cũng cho biết, cứ bốn khách hàng giao nhận đồ ăn trong khu vực Đông Nam Á thì có một người đã thử đặt đồ ăn trực tuyến lần đầu tiên trong thời gian xảy ra đại dịch.

Nghiên cứu cho thấy, các biện pháp giãn cách xã hội là yếu tố lớn nhất thúc đẩy người dùng mới chuyển sang giao nhận đồ ăn trực tuyến. Khả năng đặt hàng hộ cho gia đình, bạn bè và các chương trình khuyến mãi độc quyền từ các ứng dụng đặt và giao đồ ăn là những lý do chính tiếp theo khiến dịch vụ giao nhận đồ ăn trực tuyến bùng nổ.

Trong số các quốc gia được khảo sát, Philippines ghi nhận số lượng người dùng dịch vụ giao nhận đồ ăn trực tuyến mới nhiều nhất, với gần hai trong số năm khách hàng của nước này thử dùng dịch vụ lần đầu tiên trong thời gian đại dịch.

Nghiên cứu lưu ý thêm rằng 87% người dùng hiện tại có khả năng sử dụng dịch vụ này - chủ yếu là vì sự tiện lợi của nó - ngay cả khi các hạn chế liên quan đến Covid-19 được nới lỏng.

“Phần lớn các giao dịch giao nhận đồ ăn trực tuyến ngày nay đến từ các thành phố lớn nhất Đông Nam Á. Với những cải tiến về cơ sở hạ tầng và kết nối, chúng tôi tin rằng làn sóng tăng trưởng tiếp theo sẽ đến từ các thành phố nhỏ hơn”, Russell Cohen, Giám đốc điều hành tại Grab, cho biết.

Minh Đức (Theo Techinasia)