Thế giới

Thị trường biến động theo "từng khúc quanh" của căng thẳng Nga - Ukraine

Căng thẳng leo thang về vấn đề Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về những gián đoạn sẽ xảy ra sau khi các lệnh trừng phạt được áp dụng để làm tê liệt Nga.

Từ châu Á đến châu Âu và Mỹ, các thị trường chứng khoán đều chao đảo hôm 22/2 khi xung đột Nga – Ukraine ngày một sâu sắc. Nguy cơ chiến tranh ở lục địa châu Âu cũng khiến giá vàng và đồng USD – những nơi trú ẩn an toàn – dâng cao, đồng thời đẩy giá dầu thô Brent lên sát mốc 100 USD/thùng.

Trên sàn London, giá cổ phiếu năng lượng hôm 22/2 tăng cao hơn khi giá dầu và khí đốt tăng trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở miền đông Ukraine.

Cổ phiếu Shell và BP đều tăng 2% lên mức đỉnh của chỉ số FTSE 100 khi chỉ số này bị bán tháo trên toàn cầu, trong khi giá dầu thô Brent đạt mức cao nhất trong 7 năm là 99,04 USD/thùng.

Lo ngại về sự gián đoạn thị trường năng lượng cũng khiến giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng 13%.

“Cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng giữa Nga và Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung sẽ xảy ra sau khi các lệnh trừng phạt được áp dụng để làm tê liệt Nga, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới và nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới”, Victoria Scholar, người đứng đầu mảng đầu tư của Interactive Investor, cho biết.

“Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang và mối đe dọa chiến tranh trở thành hiện thực, giá dầu có thể dễ dàng tăng vượt ngưỡng 100 USD lên mốc 120 USD/thùng - mức cao mới chưa từng thấy kể từ năm 2014”, Scholar cho biết thêm.

“Không chỉ căng thẳng địa chính trị hỗ trợ xu hướng tăng mà các nguyên tắc cơ bản của cầu tăng cao thời kỳ hậu Covid-19 cùng với nguồn cung hạn chế từ OPEC+ tiếp tục hỗ trợ đà tăng của giá dầu”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố dừng quá trình phê duyệt dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2, sau khi Nga công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine. Ảnh: DW

Thị trường năng lượng đã biến động trong nhiều tuần, xoay chuyển theo từng khúc quanh và diễn biến cuộc xung đột giữa phương Tây và Moscow. Căng thẳng đã thêm vào đà tăng giá bùng nổ của dầu, điều này cũng được thúc đẩy bởi sản lượng không theo kịp với nhu cầu gia tăng.

OPEC + tiếp tục chỉ cung cấp nhỏ giọt nguồn cung bổ sung cho thị trường, và một số thành viên chủ chốt của nhóm sản xuất cho rằng không cần phải đẩy nhanh việc tăng sản lượng ngay cả khi giá dầu đã rất gần mốc 100 USD/thùng.

Giá dầu thô ở mức 100 USD "không phải là một hiện tượng ngắn hạn", Amrita Sen, nhà phân tích trưởng về dầu mỏ tại Energy Aspects, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV. Cách duy nhất để kìm hãm đà tăng của dầu là khi nhu cầu tăng ở mức vừa phải.

Giá dầu WTI giao tháng 3, hết hạn hôm 22/2, tăng 1,28 USD lên mức 92,35 USD/thùng tại New York. Giá hợp đồng tháng 4 tăng 1,70 USD lên thành 91,91 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4 tăng 1,45 USD lên thành 96,84 USD/thùng.

Sự biến động của giá dầu thô Brent trong tuần từ 16/2 đến 22/2. Nguồn: Yahoo!Finance

Căng thẳng địa chính trị gia tăng đang "tiếp tục khuếch đại" giá hàng hóa trên diện rộng, nhà phân tích Natasha Kaneva của JPMorgan đã viết trong một ghi chú hôm 22/2, chỉ ra "tác động sâu rộng" của Nga với tư cách là một trong những nhà sản xuất dầu và kim loại lớn nhất thế giới.

Cùng với sự tăng vọt của giá dầu vào sáng 22/2, giá nhôm cũng tăng 3% lên khoảng 3.380 USD/tấn, gần chạm mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập vào năm 2008, trong khi giá niken đạt mức cao nhất trong 11 năm là 24.870 USD, tăng 2%.

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine cũng đã "châm ngòi cho một đợt tăng giá" đối với kim loại quý, Tom Essaye, nhà phân tích tại Sevens Report, cho biết trong một lưu ý gửi khách hàng, chỉ ra rằng giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng trong những ngày gần đây, trong khi giá bạc tăng khoảng 8% trong tháng này.

Minh Đức (Theo Yahoo!Finance, Bloomberg, Forbes)