Giáo dục

Thi trắc nghiệm môn Ngữ Văn: Cách làm sáng tạo nhưng chưa thống nhất

Xu hướng ra đề kiểm tra trắc nghiệm môn Ngữ văn lần đầu xuất hiện trong kiểm tra giữa học kỳ I, lớp 10 tại Tp.HCM và đang có nhiều đánh giá khác nhau về chuyên môn.

Hào hứng với cách làm mới mẻ

Cuối tháng 10/2022 vừa qua, học sinh Huỳnh Tấn Tài, lớp 10A5, Trường THPT Ten Lơ Man, quận 1, Tp.HCM thi giữa học kỳ môn Ngữ Văn với hai phần Đọc và Viết. Trong phần Đọc (6 điểm), văn bản được sử dụng là một đoạn trích trong tác phẩm Chử Lầu, dẫn theo Thần thoại H'Mông.

Bảy câu hỏi trắc nghiệm (mỗi câu 0,5 điểm) lần lượt hỏi về nhân vật, nội dung chính và các chi tiết được đề cập trong đoạn trích. Ba câu tiếp theo được đưa ra dưới dạng tự luận, yêu cầu học sinh chứng minh, viết đoạn văn về các chi tiết, chủ đề liên quan đoạn trích đã cho.

Phần Viết (4 điểm) đề cập đến vai trò của sự lạc quan trong cuộc sống, gợi ý học sinh căn cứ nội dung đoạn trích Chử Lầu, sau đó đưa ra ý kiến cá nhân.

Một nam sinh bày tỏ thích thú: “Với cách ra đề Văn này, em có thể dễ lấy điểm hơn, nhờ vào phần trắc nghiệm. Em thấy dễ dàng chọn được đáp án đúng vì nội dung nằm trong văn bản mà đề đã cho. Đề thi Văn làm em nhớ đến phần Reading (Đọc) ở các đề kiểm tra môn Tiếng Anh".

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường được đánh giá định kỳ (giữa và cuối kỳ) ở tất cả môn học và được thực hiện thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành hoặc dự án học tập.

Trong thông báo giữa tháng 8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các trường, giáo viên được chủ động lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá dựa trên yêu cầu cần đạt của chương trình.

Bên cạnh Trường THPT Ten Lơ Man, một số trường cấp 3 khác tại Tp.HCM như Trường THPT Bình Chiểu (Tp.Thủ Đức), THPT An Lạc (quận Bình Tân) đã sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm trong đề kiểm tra Văn giữa học kỳ I, áp dụng với lớp 10.

Lần đầu tiên biên soạn đề kiểm tra môn Ngữ Văn có câu hỏi trắc nghiệm, giáo viên Hà Văn Vụ, Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7 cho hay: “Trước đây, nếu làm đề tự luận thì chỉ cho đơn giản một vài câu hỏi. Nhưng khi làm câu hỏi trắc nghiệm phải tính mức độ, cấp độ hỏi, khai thác nội dung, ngữ liệu cho phù hợp”.

Cần thống nhất kỹ năng ra đề kiểm tra

Nhận xét về cách làm này, ThS. Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) khẳng định, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT không hề nhắc đến việc kiểm tra định kỳ Ngữ Văn theo hình thức trắc nghiệm, cũng như chưa có một văn bản nào của Bộ liên quan đến hình thức đánh giá này.

Theo ThS. Phan Thế Hoài, việc nhiều trường đưa hình thức trắc nghiệm vào kiểm tra Ngữ Văn lớp 10 trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ I được xem là yếu tố đổi mới dạy và học, đánh giá học sinh theo chương trình mới, giúp đánh giá được bao quát phạm vi kiến thức...

"Khi các trường đua nhau làm trắc nghiệm song song với tự luận, theo tôi, hình thức nào cũng có ưu và khuyết nhưng môn Ngữ Văn mang tính đặc thù nên việc chọn tự luận là hợp lý hơn", ThS. Hoài nêu quan điểm.

Quan sát các đề kiểm tra ngữ văn trắc nghiệm khối 10 của một số trường THPT tại Tp.HCM, ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi - giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Tp.HCM đánh giá, ngữ liệu trong đề chưa được cân nhắc kỹ về dung lượng (quá ngắn hoặc quá dài) so với thời lượng làm bài.

Một số đề lại chưa quan tâm đến nội dung tiếng Việt, phân bổ hài hòa số lượng câu hỏi giữa các mức độ trong khi với khối THPT nên chú trọng yêu cầu thông hiểu, vận dụng nhưng trong đề thi lại có khá nhiều câu hỏi ở mức nhận biết.

Đối với câu hỏi trắc nghiệm, một số phương án “mồi nhử” chưa tốt, đặc biệt là hình thức trình bày câu hỏi chưa được thống nhất nên cách hỏi, dấu câu, viết hoa/viết thường ở đầu mỗi phương án… còn thiếu nhất quán.

"Điều tôi e ngại nhất chính là câu hỏi trắc nghiệm trong đề đã được đưa ra thực nghiệm với một mẫu khảo sát nhất định nào đó hay chưa để có những phương án điều chỉnh, chẳng hạn như về độ khó, để có thể đáp ứng tốt mục tiêu kiểm tra đánh giá theo năng lực học sinh", ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi băn khoăn.

Ông Khôi nhấn mạnh, để sử dụng thành thục hình thức trắc nghiệm Ngữ Văn, trong quá trình dạy giáo viên nên tăng cường sử dụng câu hỏi trắc nghiệm giúp học sinh kích hoạt kiến thức nền, củng cố lại kiến thức đã học, làm quen dần với hình thức kiểm tra này.

Giáo viên cần đọc thêm lý thuyết xây dựng đề trắc nghiệm, tham khảo tài liệu trắc nghiệm Ngữ Văn uy tín để hoàn thiện kỹ năng...

Cần bám sát yêu cầu đánh giá kiến thức

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM chia sẻ: “Học sinh khối 10 đang theo học chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc kiểm tra, đánh giá sẽ có những thay đổi so với trước đây”.

Tuy nhiên, ông Quốc lưu ý, các trường cần chuyển từ đánh giá chủ yếu ghi nhớ, hiểu kiến thức... sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn.

Đặc biệt, cần chú trọng đánh giá các năng lực như tư duy sáng tạo, giải quyết tình huống. Hạn chế tối đa các câu hỏi đơn thuần kiểm tra kiến thức hoặc học thuộc lòng, tăng cường câu hỏi giải quyết tình huống thực tiễn.

Với riêng môn Ngữ Văn, lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM nhấn mạnh, khi ra đề, giáo viên cần chú ý thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nói, nghe để giải quyết các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh và ngữ liệu mới.

Khi đánh giá kết quả học tập, giáo viên cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh.