Giáo dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Vì sao nhiều thí sinh chọn tổ hợp môn KHXH?

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay số lượng thí sinh chọn tổ hợp KHXH để thi tốt nghiệp THPT chiếm tỉ lệ cao, lên đến hơn 55% trong khi bài thi KHTN chiếm hơn 31%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết tính đến 17h ngày 13/5, thời điểm kết thúc đợt đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.001.011 em, trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến là 934.186 (chiếm 93.32%), số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp là 66.827 (chiếm 6,68%).

Phân tích số liệu đăng ký dự thi cho thấy tổng số thí sinh tự do: 58.797 (chiếm 5,87%), tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT: 103.374 (chiếm 10,33%).

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tuyển sinh: 38.108 (chiếm 3,81%). Tổng số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh: 859.531 (chiếm 85,87%);

Về tổ hợp đăng ký dự thi, có 555.813 thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH), chiếm tỉ lệ 55,53%; 319.676 thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN), chiếm 31,94%.

Đây là một thông tin đáng chú ý vì dư luận lo lắng việc học sinh sẽ ít chọn học môn Lịch sử. Tuy nhiên, thực tế lại trái với sự lo lắng đó, khi tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp KHXH ở kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng tăng.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân (GDCD) để thi tốt nghiệp THPT ngày càng tăng: năm 2017 là 43%, 2018 là 48%, 2019 là 53%, 2020 là 55,38%, 2021 là 53,38% và năm 2022 là 55,53%.

Lý giải về xu hướng này, theo các chuyên gia giáo dục, trước hết, đa số học sinh vẫn lo hoàn tất tốt nghiệp THPT. Số liệu thống kê cho thấy, từ kỳ thi THPT năm 2017 đến nay, điểm tổng bình quân 3 môn của tổ hợp môn KHXH luôn cao hơn tổng điểm 3 môn tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN). Năm 2017 (điểm KHXH: 19,54; điểm KHTN: 15,85), năm 2018 (16,38; 14,38), năm 2019 (17,67; 15,60), năm 2020 (20,11; 19,03), và năm 2021 (20,29; 18,70).

Nhiều thí sinh cho rằng GDCD, Lịch sử, Địa lý nếu có hiểu biết xã hội, ôn tập có hệ thống, biết vận dụng tình huống và kỹ năng dùng Atlat rất dễ kiếm điểm so với tổ hợp KHTN. Kế đến là xu hướng tuyển sinh đại học do các trường tự chủ, đa dạng hình thức xét tuyển. Xét tuyển bằng thi đánh giá năng lực, diện tuyển thẳng đại học, xét tuyển bằng học bạ... nên nhiều học sinh đã biết trúng tuyển đại học trước khi thi tốt nghiệp THPT. Một bộ phận học sinh chỉ cần tốt nghiệp rồi đi học cao đẳng

Ngoài ra, xu hướng ngành nghề thuộc nhóm KHXH đang tăng do nhu cầu của xã hội và sự đam mê của học sinh.

Xã hội càng phát triển thì con người sẽ càng phải đối mặt với nhiều vấn đề về tâm lý. Do vậy, nhu cầu chữa lành những rạn nứt trong tâm hồn sẽ ngày càng tăng. Có lẽ vì thế mà các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực nhân văn, xã hội sẽ "mọc lên" và dần đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của xã hội. Thị trường việc làm có thể "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể thịnh hành về các ngành nghề liên quan đến tự động hóa, công nghệ thông tin..., nhưng giá trị của con người sẽ mãi không thể thay thế.

Bên cạnh đó, các ngành quan hệ công chúng, marketing, đông phương học, du lịch, ngôn ngữ nước ngoài, báo chí, truyền thông… đang có nhu cầu nhân lực lớn. Đây là một xu hướng tốt bởi vì học sinh sẽ quan tâm đến các kiến thức xã hội hơn trong đó có Lịch sử, Địa lý và GDCD.

Liên quan đến vấn đề này, em Trần Nam Huân, học sinh chuyên Toán trường THPT Chuyên Sơn La chia sẻ với Dân Trí: "Tổ hợp KHXH chiếm ưu thế hơn so với tổ hợp KHTN luôn là một vấn đề "nóng hổi" mỗi mùa tuyển sinh. Nhiều người cho rằng tổ hợp KHXH chính là "phao cứu sinh" cho những ai chỉ đăng ký xét tốt nghiệp".

Tuy nhiên Nam Huân cho rằng: "Tổ hợp KHXH có thể dễ dàng "kiếm" được điểm để xét tốt nghiệp, nhưng những câu ở mức độ vận dụng cao thì học thuộc thôi là chưa đủ, mà chúng ta phải học hiểu thật sự sâu bản chất của nó. Mình thường phải vận dụng rất nhiều những kiến thức và móc xích chúng lại với nhau. Đó là một quá trình dài và bền bỉ, không phải câu chuyện của ngày một ngày hai như mọi người nghĩ".

Còn đối với Lê Văn Việt Anh (Sơn La), em đã lựa chọn khối D (Toán, Văn, Anh) để xét tuyển vào đại học. Có lẽ, ba môn Toán, Văn, Anh đã chiếm đa phần quỹ thời gian nên Việt Anh đã phải tìm kiếm một con đường an toàn hơn khi xét tốt nghiệp bằng tổ hợp KHXH.

Lúc mới đầu, Việt Anh từng phân vân lựa chọn giữa tổ hợp KHXH và tổ hợp KHTN. Tuy nhiên, sau khi phân tích đề minh họa và được định hướng từ thầy cô, Việt Anh đã quyết định chọn tổ hợp KHXH để phần nào giảm bớt những áp lực".

Việt Anh nhấn mạnh rằng các môn trong tổ hợp KHXH sẽ dễ dàng đạt điểm vượt qua liệt hơn so với tổ hợp KHTN, nhưng không đồng nghĩa với việc không cần phải học. Bản thân em vẫn phải dành thời gian nghe giảng ở trên lớp và học thuộc những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.

Đồng quan điểm, cô Phạm Thị Thúy, giáo viên Lịch sử trường THPT Chuyên Sơn La, người có bề dày kinh nghiệm trong việc ôn luyện học sinh giỏi môn Lịch sử các cấp bày tỏ: “Việc học các môn trong tổ hợp KHXH không đơn giản là học thuộc, học vẹt. Học mà không hiểu bản chất thì bao công sức cũng "đổ sông đổ bể", cách học sai lầm như vậy sẽ khiến các bạn học sinh bị "lạc" trong mê cung của kiến thức. Đặc biệt ở những câu hỏi trong nhóm vận dụng cao, học sinh cần phải có một tư duy tổng hợp, một phản xạ nhạy bén, một lập luận "sắc nhọn" để có thể xâu chuỗi, móc xích các vùng kiến thức lại với nhau".

Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Thanh Niên)