Giáo dục

Thi tốt nghiệp THPT 2025: Thay đổi phương pháp xây dựng ngân hàng đề

Việc xây dựng ngân hàng đề thi sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của các giáo viên bộ môn thay vì ở phạm vi nhỏ hẹp như trước kia.

Tại cuộc họp báo về phương thức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 diễn ra chiều 29/11. Nhiều câu hỏi xung quanh phương án thi 2+2 được quan tâm gửi đến Bộ GD&ĐT.

Theo đó, trả lời nội dung thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (theo phương thức cũ) nếu trượt thì có thể gặp khó khăn khi tham gia kỳ thi năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT khẳng định: “Về nguyên tắc, thí sinh học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó. Vì thế trường hợp những thí sinh thi trượt năm 2024 có nhu cầu thi lại thì sẽ vẫn được thi với nội dung bám sát chương trình đã học. Bộ GD&ĐT sẽ tính toán tổ chức một kỳ thi sao cho đảm bảo nội dung thi, phương thức thi theo đúng chương trình 2006 giúp học sinh yên tâm học tập”.

Đối với định dạng, ngân hàng đề thi của năm 2025 đã được Bộ GD&ĐT nghiên cứu từ rất sớm với sự góp ý từ nhiều chuyên gia. “Định dạng, cấu trúc đề thi phải đáp ứng mục tiêu đánh giá năng lực học sinh theo yêu cầu của Chương trình, và đảm bảo phù hợp với học sinh, đặc biệt đảm bảo sự cân đối, tin cậy, tránh tình trạng chênh lệch giữa các môn”, ông Hà bày tỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT.

Một điểm mới được quan tâm khi xây dựng ngân hàng đề thi sẽ lấy ý kiến từ cơ sở, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết ngay trong tháng 11 sẽ có cuộc tập huấn đầu tiên với tất cả giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp 2025 và Sở GD&ĐT trên cả nước. “Đây sẽ là những đội ngũ cốt lõi xây dựng ngân hàng câu hỏi thi thay vì trước kia chỉ mời một số thầy cô giáo, chuyên gia tham gia xây dựng”, ông Nguyễn Ngọc Hà thông tin.

Về thời gian công bố đề minh hoạ, do học sinh vẫn chưa học sang lớp 12 nên sẽ chưa công bố vào thời điểm này. Tuy nhiên, giáo viên và học sinh sẽ có định hướng ôn tập thông qua định dạng cấu trúc để thi, cụ thể ông Hà cho hay: “Ngay sau khi thử nghiệm định dạng cấu trúc đề thi, Bộ GD&ĐT sẽ công bố minh hoạ định dạng mô phỏng theo cấu trúc đề thi năm 2025, để học sinh và giáo viên biết đề thi mới sẽ thế nào, năng lực nào cần quan tâm, hàm lượng kiến thức ra sao,…Dự kiến nội dung này sẽ được thực hiện trong quý 4/2023”.

Trước những lo lắng nhiều năm nay về hình thức thi trắc nghiệm dễ dẫn đến tình trạng thí sinh khoang bừa, đại diện Bộ GD&ĐT thông tin: “Trong thời gian vừa qua, hình thức thi trắc nghiệm có 4 lựa chọn trong đó có 1 lựa chọn đúng có những hạn chế và ưu điểm nhất định.

Tuy nhiên trong quá trình thử nghiệm vừa qua, chúng tôi có phát triển những định dạng mới khắc phục vấn đề, đặc biệt đối với việc phát triển khả năng tư duy  của môn Toán của học sinh, nghiên cứu mới sẽ cho phép các em tự do trong tư duy”

Đối với việc một số em mong muốn thi nhiều hơn 2 môn tự chọn, ông Nguyễn Ngọc Hà khẳng định không nên tư duy rằng thi nhiều môn tự chọn sẽ có lợi mà cần tính toán nhiều mặt khi sẽ chỉ có thiểu số thí sinh có nhu cầu và trên thực tế các em chỉ có thể học một trường và chọn một tổ hợp môn và phương thức xét tuyển. Ở đây ông Hà cũng lưu ý việc thi nhiều môn cũng sẽ gây lãng phí và không hiệu quả.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Huỳnh Văn Chương- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết phương án thi tốt nghiệp đã công bố dựa trên một số nguyên tắc như giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, đảm bảo tính trung thực, tin cậy, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Phương án thi cũng phù hợp với yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT tăng cường phân hóa, định hướng nghề nghiệp. Việc đổi mới thi cũng được tính toán trên cơ sở đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên định kỳ trong quá trình dạy học ở bậc phổ thông và lộ trình tự chủ giáo dục đại học.