Xã hội

Thi tốt nghiệp THPT 2021: Đề xuất tuyển sinh 1 lần sau 2 đợt thi

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nhiều thí sinh đang lo lắng quyền lợi của mình trong tuyển sinh sẽ được đảm bảo ra sao khi kỳ thi được tổ chức làm 2 đợt.

Thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng với các em học sinh lớp 12 khi kết quả vừa sử dụng để xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học.

Theo kế hoạch của bộ Giáo dục và Đào tạo (bộ GD-ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ tổ chức làm 2 đợt, đợt 1 diễn ra từ ngày 7-8/7/2021. Những thí sinh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 không thể dự thi đợt 1 thì sẽ tham gia dự thi đợt 2.Thời gian thi đợt 2 sẽ được bộ GD-ĐT thống nhất trên cơ sở đề xuất của các địa phương và tình hình thực tế của dịch bệnh.

Hơn 1 triệu sĩ tử trên cả nước đã trải qua 1 năm học rất đặc biệt, khi cả hai học kỳ đều có thời gian phải nghỉ học để phòng dịch, giờ đây tiếp tục trải qua cảm giác căng thẳng vì ngày thi đã tới gần trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Điều khiến các em băn khoăn hiện nay là quyền lợi của mình trong tuyển sinh sẽ được đảm bảo ra sao khi kỳ thi được tổ chức làm 2 đợt.

Về điều này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, bộ GD-ĐT - cho biết, năm 2021, công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, năm trước (2020) bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức thành công 2 đợt thi tốt nghiệp THPT và sau đó xét tuyển sinh đại học (sử dụng kết quả thi THPT) trong một đợt thống nhất giữa bối cảnh dịch bệnh.

Với kỳ thi năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, quan điểm của bộ GD-ĐT là nhất quán trong chủ trương xét tuyển chung, đảm bảo quyền lợi công bằng cho mọi thí sinh.

“Do đó, phát huy kinh nghiệm năm trước, vụ Giáo dục đại học đã đề xuất và tham mưu với lãnh đạo Bộ triển khai phương án xét tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng sư phạm (CĐSP) năm 2021 bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT trong 1 lần, sau 2 đợt thi”, bà Thủy nói.

"Theo số liệu chúng tôi có được, chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 55%, chỉ tiêu xét tuyển bằng các hình thức khác chiếm khoảng 45%.

Việc đã có kinh nghiệm tổ chức xét tuyển sinh trong mùa dịch, cộng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục đa dạng hoá và kết hợp các phương thức xét tuyển đã giúp giảm bớt khá nhiều áp lực và khó khăn đối với việc tuyển sinh năm nay", Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, bộ GD-ĐT thông tin.

Trong một vài ngày tới, bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn về phương án gửi các cơ sở giáo dục đại học.
Cụ thể, sẽ tổ chức xét tuyển, tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm sau khi hoàn thành cả hai đợt kỳ thi tốt nghiệp THPT (áp dụng đối với cơ sở đào tạo và thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển).

Với cách này, thí sinh thi đợt 1 và đợt 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho các em. Hơn nữa, các cơ sở đào tạo không cần tính toán, để dành chỉ tiêu xét tuyển đợt 2, giống như đã thực hiện trong năm 2020.

Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho khoảng cách giữa đợt 2 thi THPT quá xa, Bộ sẽ có các chỉ đạo và hướng dẫn tiếp theo.

"Mọi phương án được bộ GD-ĐT cân nhắc, đề xuất đều nhằm mục tiêu cuối cùng là đảm bảo quyền lợi của thí sinh, an toàn phòng, chống dịch bệnh nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh"- PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Trước đó, bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị các cơ sở đào tạo chủ động chuẩn bị phương án điều chỉnh kế hoạch dạy và học để ứng phó kịp thời khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các cơ sở đào tạo cần bảo đảm an toàn trong các sự kiện kết thúc năm học, đồng thời lên phương án dự phòng cho công tác tuyển sinh năm 2021.

Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Lao Động)