Giáo dục

Thi tốt nghiệp THPT 2020 chia làm hai đợt, bộ GD&ĐT triển khai thế nào?

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch và sẽ tổ chức thêm một đợt thi khác đối với các thí sinh ở địa phương có cách ly xã hội hay thuộc diện F1, F2…

Thi tốt nghiệp theo 2 đợt

Báo Kinh tế và Đô thị thông tin, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2020 (ngày 3/8), Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Theo đó, đối với các thí sinh thuộc các địa phương không trong diện cách ly xã hội sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch đã đề ra trước đó, diễn ra từ ngày 8-10/8. Riêng đối với các thí sinh ở những địa phương có cách ly xã hội hay thuộc diện F1, F2 thì Bộ sẽ có phương án tổ chức thi sau, bảo đảm quyền lợi cho học sinh và chỉ đạo các trường đại học có phương án tuyển sinh phù hợp.

Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản hoàn tất. Trước đó, bộ GD&ĐT đã tổ chức họp với ban chỉ đạo kỳ thi ở các địa phương để rà soát lần cuối và xem xét tình hình dịch bệnh để lựa chọn phương án. Phần lớn địa phương thể hiện quyết tâm, sẵn sàng cho kỳ thi. Bộ GD&ĐT phối hợp với bộ Y tế chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức kỳ thi an toàn.

Trước đề xuất của bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bộ GD&ĐT căn cứ tình hình thực tiễn chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo an toàn và việc xét tuyển đại học diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về nội dung. Bộ GD&ĐT, bộ Y tế, các bộ liên quan bảo đảm an toàn về sức khỏe cho học sinh, phụ huynh và giáo viên. 

Bộ GD&ĐT bảo đảm an toàn về sức khỏe cho học sinh, phụ huynh và giáo viên trong kỳ thi THPT 2020 (ảnh minh họa).

Tuyển sinh đại học có gặp khó khăn?

Trao đổi với Zing sáng 3/8, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, đánh giá trong bối cảnh hiện nay, đề xuất của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là chấp nhận được, không phải chỉ có phương án hoãn hay hủy kỳ thi như nhiều ý kiến khác.

Theo ông Vinh, đề thi đã được chuẩn hóa, 8/9 môn thi theo hình thức trắc nghiệm nên đảm bảo tính công bằng, không lo chênh lệch độ khó trong đề giữa hai đợt.

Bên cạnh đó, ông Vinh nói kỳ thi không chỉ để xét tốt nghiệp, mà còn xét đại học. Tình hình chấm điểm, đánh giá ở bậc phổ thông chưa kiểm soát được, không ít thầy cô "thương" học trò nên cho điểm chưa phản ánh đúng năng lực của các em. Do đó, nếu hủy kỳ thi, các trường đại học xét học bạ sẽ tạo sự mất công bằng lớn trong xã hội.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên vẫn có một số trường thể hiện sự lo lắng về phương án thi 2 đợt. Trao đổi với Vietnamnet, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay cần phải cân nhắc thật kỹ vì mục tiêu chính của kỳ thi vẫn là để xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Trong trường hợp bất khả kháng, việc xét tốt nghiệp hoàn toàn có thể căn cứ vào kết quả học tập của THPT, như vậy mục tiêu thứ nhất có thể thực hiện được.

Vì nhiều trường ĐH chỉ dùng kết quả thi THPT để xét tuyển nên nhìn chung, kỳ thi có ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyển sinh các trường. Do vậy các trường ĐH cần sẵn sàng các phương án thay thế.

PGS Bùi Hoài Thắng cho rằng để xét tốt nghiệp thì không cần thi lần 2 mà nên đặc cách. Ông Thắng cũng chỉ ra những vấn đề phức tạp nếu phải thi đợt 2 như sự tương đồng về độ khó giữa 2 lần thi làm mất công bằng trong xét tuyển.

Thời điểm thi lần 2 trễ càng lâu sẽ ảnh hưởng đến lịch tuyển sinh, kế hoạch học tập các trường và của sinh viên. Nếu các trường đợi lần 2 thi xong để xét chung sẽ làm chậm lịch giảng dạy. Nhưng nếu tách thành 2 đợt tuyển sinh khác nhau thì rất khó khăn trong phân bổ chỉ tiêu giữa 2 đợt và vẫn ảnh hưởng kế hoạch học tập của các trường.

“Cho dù tổ chức 2 lần thi thì vẫn còn một số em vì sẽ được đặc cách tốt nghiệp. Các trường vẫn cần sẵn sàng cho tình huống này”, ông Thắng nói.

Ảnh minh họa.

PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng nếu tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp THPT, kết quả thi vẫn được tổng hợp lại để xét tuyển. Việc tuyển sinh của trường không chịu tác động lớn.

“Bộ GD-ĐT phải tính đến phương án điều chỉnh mốc tuyển sinh. Nếu thi hai đợt, tuyển sinh cũng chia thành hai đợt sẽ là phương án hơi dở. Các trường không biết chia chỉ tiêu như thế nào”, ông Kiên phân tích.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, lại ủng hộ phương án chia kỳ thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt.

Ông cho rằng việc tổ chức thi như vậy phù hợp tình hình thực tế, đồng thời đảm bảo tâm lý cho cả triệu thí sinh, phụ huynh.

Ông giải thích thêm hiện nay, đánh giá bằng học bạ không đồng đều. Nhiều trường chất lượng giáo dục không tốt cho điểm cao, trong khi trường tốt lại khắt khe hơn trong chấm điểm.

Tuyển sinh hết bằng xét tuyển học bạ sẽ bất lợi, đặc biệt với những em chú trọng học 3 môn phục vụ cho việc xét tuyển đại học hay các thí sinh học giỏi nhưng học bạ không tốt.

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài Chính - cho hay tùy thuộc tình hình thực tế và quyết định của bộ, trường sẽ thay đổi phương án tuyển sinh cho phù hợp.

Ông cho biết việc thay đổi kế hoạch, trường sẽ gặp một chút khó khăn, song dù sao cũng phải đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trong phạm vi, điều kiện có thể của học viện.

Bá Di (T/h)