Giáo dục

Thi Toán hoàn toàn bằng trắc nghiệm: "Tương lai sẽ ít các nhà khoa học về Toán học"

Nhiều chuyên gia thẳng thắn khẳng định không đồng ý với thi THPT Quốc gia môn Toán bằng phương pháp trắc nghiệm hoàn toàn, lấy kết quả tuyển sinh đại học. 

Thui chột khả năng tư duy, lý luận, sáng tạo

Đó là quan điểm của TS. Phạm Hồng Danh, Trưởng bộ môn Toán cơ bản, khoa Toán - Thống kê, trường đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh khi nói về bài thi môn Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia được thi bằng hình thức trắc nghiệm.

Theo TS. Phạm Hồng Danh, Toán là môn khoa học cơ bản, tư duy toán là nền tảng của các môn khoa học tự nhiên nên việc thi Toán bằng trắc nghiệm sẽ làm tư duy lý luận, khả năng sáng tạo của học sinh bị giảm đi.

“Như đề Toán hiện nay, để giải được, học sinh ngoài kiến thức cần phải có cách lập luận logic, sâu sắc và sáng tạo. Bởi thế, có nhiều học sinh dù biết kết quả nhưng không thể nào giải được. Nếu thi trắc nghiệm sẽ dẫn đến học sinh “học vẹt” nhiều hơn, có nhiều câu hỏi học sinh chỉ cần thay số, bấm máy tính là ra đáp án…

Thi Toán THPT Quốc gia hoàn toàn bằng trắc nghiệm vẫn đang gây trannh cãi.

Vì vậy, môn Toán cần phải thi tự luận, bởi vì như thế mới phát triển tư duy, lập luận, phát huy được khả năng sáng tạo, phân biệt được trình độ học sinh này với học sinh khác.

Còn nếu thi trắc nghiệm, vô tình chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ robot, thế hệ bấm máy tính hơn là tư duy. Và chắc chắn, tương lai sẽ ít các nhà khoa học về Toán học và khoa học tự nhiên”, ông phân tích.

Theo ông, tổ chức thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia không phải thui chột hoàn toàn nhưng cũng sẽ làm thui chột một phần nào khả năng tư duy sâu sắc, logic, khả năng lý luận chặt chẽ và khả năng trình bày, diễn đạt một cách thuyết phục vấn đề của học sinh.

“Nếu chỉ dùng hình thức thi trắc nghiệm cho môn Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia thì nguyên khí quốc gia sẽ bị ảnh hưởng xấu”, vị Trưởng bộ môn Toán cơ bản nhấn mạnh.

TS. Phạm Hồng Danh e ngại thi Toán hoàn toàn bằng hình thức trắc nghiệm sẽ thui chột tư duy logic, khả năng lập luận và thuyết trình của học sinh, sinh viên.

Trường đại học nên bổ sung điều kiện xét tuyển

Thực tế, hình thức thi tự luận khách quan đã được áp dụng trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng từ lâu ở Việt Nam.

Hạn chế chủ yếu của hình thức này là đề thi không thể phủ rộng phạm vi kiến thức, kỹ năng cần đánh giá, đề thi chỉ gồm số ít các câu hỏi nên thường tập trung vào một số nội dung được xem là “trọng tâm”, cũng là một nguyên nhân dẫn đến  tình trạng dạy thêm, học thêm; dạy “tủ”, học “tủ” và hiện tượng tiêu cực trong coi thi, chấm thi có nhiều điều kiện để xảy ra.

Bàn về hình thức thi Toán THPT Quốc gia, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cũng đưa ra nhận định: “Tổ chức thi tự luận sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, công sức; bài thi do giáo viên chấm có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan, tâm lý của người chấm nên khó đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan giữa các bài thi.

Trong khi đó, thi trắc nghiệm đặc biệt hiệu quả khi được sử dụng cho các bài thi trên diện rộng và kiến thức chuẩn hóa với những ưu điểm chính là: Khảo sát được số lượng lớn thí sinh, nội dung đánh giá rộng, cho kết quả nhanh, điểm số đáng tin cậy, công bằng, chính xác và ngăn ngừa “học tủ”.

Ưu điểm của đề thi trắc nghiệm, chính là cho phép đánh giá phạm vi rộng nội dung kiến thức, kỹ năng, căn cứ để khắc phục xu hướng dạy “tủ”, học “tủ”, dạy thêm học thêm… Bài thi được chấm bằng máy sẽ đảm bảo tính khách quan, độ tin cậy của kết quả thi, giảm chi phí và thời gian chấm thi”.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra: “Mục tiêu của kỳ thi THPT Quốc gia là đánh giá khách quan, trung thực kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông, đảm bảo kết quả thi có độ tin cậy; phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Chính vì vậy, bài thi trắc nghiệm không phải công cụ hữu hiệu nhất để chọn được những thí sinh xuất sắc vào đại học. Kết quả thi THPT Quốc gia chỉ nên là kênh tham khảo.

TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, trường đại học nên bổ sung những điều kiện tuyển sinh riêng, kết quả thi THPT Quốc gia chỉ nên là kênh tham khảo.

Các trường đại học để nâng cao chất lượng tuyển sinh, phải tự đề ra những điều kiện xét tuyển riêng. Có thể tổ chức thêm các bài thi riêng, bài thi năng khiếu, viết bài luận, thi vấn đáp hay phỏng vấn sâu… Tức là, chỉ coi kết quả kỳ thi THPT Quốc gia như một vòng sơ khảo, để khoanh vùng thí sinh. Sau đó, tổ chức thi chung khảo để lọc thí sinh tốt nhất qua những đề thi riêng phù hợp với yêu cầu của trường”.

TS. Lê Viết Khuyến cũng nhấn mạnh, bài thi Toán trắc nghiệm hoàn toàn có thể đánh giá đúng các kỹ năng cơ bản của học sinh THPT, nhưng để phân loại và tuyển chọn sinh viên cho các trường đại học thì chưa đủ.