Giáo dục

Tuyển sinh 2023: Thí sinh trúng tuyển cần xác nhận nhập học trước 17h ngày 8/9

Bộ GD&ĐT lưu ý trước 17h ngày 8/9, tất cả các thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ.

Lưu ý các mốc thời gian quan trọng tuyển sinh đại học năm 2023

14h 22/8: Kết thúc quy trình các bước lọc ảo.

Từ 14h ngày 22/8 đến 17h ngày 24/8: cơ sở đào tạo công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1.

Trước 17h ngày 8/9, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến (đợt 1) trên Hệ thống.

Sau ngày 8/9: Cơ sở đào tạo có thể bắt đầu khai giảng năm học mới.

Sau ngày 9/9: Cơ sở đào tạo có thể thông báo tuyển sinh đợt bổ sung

Từ ngày 7 đến 9/12/2023, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các trường.

Các cơ sở đào tạo phải báo cáo chính xác, đầy đủ kết quả tuyển sinh năm 2023 trên hệ thống trước 31/12/2023.

Thí sinh lưu ý xác nhận nhập học đúng thời gian quy định

Theo báo Chính Phủ, tới thời điểm này, hầu hết các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023.

Khi trúng tuyển và làm thủ tục nhập học, thí sinh sẽ cần chuẩn bị những giấy tờ cơ bản sau: Giấy báo nhập học (bản chính); Sơ yếu lý lịch học sinh - sinh viên (hồ sơ trúng tuyển); Giấy chứng nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông tạm thời (hoặc tương đương) đối với những thí sinh tốt nghiệp năm 2023; Bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông (bản chính và bản sao công chứng) đối với những thí sinh tốt nghiệp trước năm 2023; Học bạ Trung học Phổ thông (bản sao công chứng và bản gốc để đối chiếu); Chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân (bản sao có công chứng), sổ đoàn viên; Bản sao Giấy khai sinh; Phiếu khám sức khỏe; Hồ sơ, giấy chứng nhận ưu đãi, ảnh thẻ 3×4. Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự và giấy xác nhận đăng ký vắng mặt do Ban chỉ huy quân sự cấp đối với nam (bản sao).

Ảnh minh họa.

Những lưu ý khi xét tuyển bổ sung

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ThS Nguyễn Thị Mai Bình - Trưởng phòng đào tạo và công tác sinh viên, Trường ĐH Hùng Vương lưu ý thí sinh khi tham gia xét tuyển bổ sung vẫn phải dựa trên nguyên tắc chọn ngành là những ngành phù hợp với năng lực và đam mê.

Không nên "chọn đại" một ngành nào đó chỉ vì muốn được tiếng đã trúng tuyển đại học. "Cũng không nên chọn ngành theo số đông, theo bạn bè, mà ngành học nên thật sự là ngành bạn muốn học và thích học", bà Bình nói.

Trong khi đó, ThS Ngô Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh truyền thông, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng - nhìn nhận các thí sinh chọn các đợt bổ sung thường có tỉ lệ nhập học cao hơn đáng kể so với trúng tuyển đợt 1. Điển hình trong xét tuyển đợt 1 tại trường, tỉ lệ 70-75% xác nhận nhập học với nhóm ngành khoa học sức khỏe, và 65-75% với các ngành khoa học xã hội, ngôn ngữ.

Còn xét tuyển bổ sung đang được trường triển khai thì tỉ lệ nhập học lên tới 80-90%. Trong số 600 chỉ tiêu tuyển bổ sung, đến nay trường tuyển được 200. "Điều này cho thấy các thí sinh lựa chọn xét tuyển bổ sung thường đã suy nghĩ thật kỹ về ngành học của mình", ông Dũng nói. Hiện trường vẫn tiếp tục nhận các nguyện vọng xét tuyển bổ sung từ thí sinh.

TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng đào tạo, Trường đại học Công nghiệp Tp.HCM - thông tin đến thời điểm này, số thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống của trường đạt khoảng 80%.

Ông nhìn nhận thực tế cho thấy có nhiều thí sinh nằm trong danh sách trúng tuyển nhưng từ chối nhập học. Số lượng thí sinh chọn hướng đi khác này có thể vì đi du học, hoặc các bạn trúng tuyển những ngành không phải ngành mình mong muốn, hoặc có thể đi học cao đẳng.

"Con số 20% từ chối nhập học cũng là số lượng lớn. Mặc dù các trường đã thực hiện tốt công tác lọc ảo, tư vấn tuyển sinh nhưng thực tế nhiều em vẫn từ chối nhập học vì chưa vào được ngành mình mong muốn", ông Nhân nói.

TS Nguyễn Văn Khả - Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương Tp.HCM chia sẻ nhóm ngành được tuyển bổ sung với số lượng nhiều chủ yếu rơi vào những ngành khó tuyển, như thủy sản, môi trường, an toàn thực phẩm... Tổng cộng có khoảng 10 ngành với 300 chỉ tiêu. Điểm chuẩn đợt bổ sung dự kiến sẽ bằng đợt 1.

Trúc Chi (t/h)