Giáo dục

Thí sinh lo 24 điểm không đủ vào ngành Quân đội, học trường Mỏ không có việc làm

Trong “Ngày hội tư vấn xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2019”, ban tư vấn nhận được rất nhiều câu hỏi “hóc búa” từ thí sinh đến các bậc phụ huynh.

Ban tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2019.

24 điểm có vào được ngành Quân đội, công an?

Thí sinh Trần Minh Giang (quê Thái Bình) đạt số điểm trên 24 điểm ở tổ hợp A00 (Toán, Hoá, Lý) đặt câu hỏi rằng, với số điểm đó thì cơ hội vào trường Sĩ quan chính trị không?

Một phụ huynh (Ba Vì, Hà Nội) hoang mang dù đã tìm hiểu kĩ, nhưng vẫn bị rối và chưa hiểu rõ khi cho con đăng kí vào một trường Quân đội.

Trả lời câu hỏi, Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng ban Thư kí tuyển sinh quân sự, bộ Quốc phòng cho biết, các trường khối quân đội không cho phép thay đổi nguyện vọng nữa. Nhưng vẫn có khá nhiều điều thí sinh và các bậc phụ huynh thấy bị rối, không nắm chắc nên ban tuyển sinh quân sự bộ Quốc phòng vẫn tham gia tư vấn.

Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng ban Thư kí tuyển sinh quân sự, bộ Quốc phòng.

Đại tá cho biết thêm, tỷ lệ chọi vào trường Sĩ quan chính trị ở tổ hợp A00 khu vực miền Bắc là 1/5 nhưng tổ hợp C00 của trường này lại có tỷ lệ chọi cao là 1/8-9. Qua rà soát hồ sơ đăng ký tuyển sinh, thấy nhiều thí sinh qua sơ tuyển nhưng không đăng ký vào nhóm trường quân sự hoặc có đăng ký nhưng không phải nguyện vọng 1. Những thí sinh này cần điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp, đúng yêu cầu của khối quân sự trong thời gian tới.

Sắp tới Việt Nam phải nhập khẩu than, liệu học trường Mỏ ra có việc làm?

Một thí sinh nam đặt câu hỏi cho ban tư vấn: "Em nghe thông tin sắp tới Việt Nam sẽ phải nhập than từ nước ngoài. Em mong muốn học ngành khai thác mỏ, nhưng rất lo lắng về cơ hội việc làm?"

Nhiều câu hỏi hóc búa dành cho ban tư vấn.

TS. Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Công tác sinh viên, trường ĐH Mỏ - Địa chất trả lời băn khoăn trên: “Nhiều người nhắc đến ĐH Mỏ - Địa chất là chỉ nghĩ đến than, nhưng thực tế trường còn đào tạo nhiều ngành khác như các ngành về kinh tế, tài chính, ngân hàng....".

Ông Thành nhận định: "Nếu thí sinh vào đại học và chỉ nghĩ sau này ra trường sẽ làm việc tại Việt Nam thì tầm nhìn chưa thực sự rộng mở và phù hợp với xu hướng mới. Tính đến năm 2020, Việt Nam thiếu và cần cung cấp cho các nước ASEAN 6 triệu việc làm. Các em nên nhìn xa, xác định phải học và làm công dân thế giới".

“Khai thác khoáng sản bao gồm các loại khoáng sản rất đa dạng, chứ không chỉ thuần tuý làm về than. Trong khi đó, trữ lượng khai thác khoáng sản trong nnhững năm tới của Việt Nam vẫn tương đối dồi dào”, ông Thành khẳng định.

Ngành Công nghệ thông tin: "Chuẩn" và "cao" khác nhau như thế nào?

Rất đông các bạn thí sinh và phụ huynh tham dự tư vấn.

Một thí sinh gửi giấy cho ban tư vấn với câu hỏi: “Em đang lựa chọn học ngành Công nghệ thông tin, nhưng chưa hiểu đào tạo nghề chuẩn và cao khác nhau như thế nào?”

PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình, Trưởng bộ môn khoa Hóa học, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội giải thích: “Công nghệ thông tin có rất nhiều trường đào tạo, em phải hỏi cụ thể là trường nào, ĐH Bách khoa cũng có, ĐH Mỏ- Địa chất, Đại học Công nghê thuộc ĐH Quốc gia cũng có nhóm ngành này. Tuy nhiên, tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, đối với ngành đào tạo chuẩn, thì chúng ta sẽ học theo giáo trình chuẩn bình thường, với mức học phí chuẩn. Còn đối với đào tạo chất lượng cao, nhà trường sẽ thu mức học phí cao, đổi lại các bạn sẽ được đào tạo chất lượng học cao hơn, được đi thực tập sớm”.

“Theo thống kê từ 3 năm trở lại đây, rất nhiều bạn từ năm thứ 3 đã đi làm đúng chuyên ngành công nghệ thông tin mình học”, ông Bình cho biết thêm.

Hoang mang xét tuyển ngành Khoa học xã hội, muốn chuyển sang ngành Khoa học Tự nhiên

Nhiều thí sinh mạnh dạn đặt câu hỏi cho ban tư vấn.

Một thí sinh trước đó dự thi theo tổ hợp xét tuyển khoa học xã hội, nhưng mong muốn theo học ngành kỹ thuật đặt câu hỏi: "Em được 20 điểm tổ hợp C01 nhưng muốn chuyển sang học ngành kỹ thuật. Thầy cô tư vấn để em có định hướng phù hợp với tổ hợp xét tuyển và mức điểm đã đạt được?".

PGS.TS. Nguyễn Tiến Thảo - Phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội khuyên nhủ: “Trước mắt em phải xác định rõ động cơ, mong muốn theo học ngành nào, bởi lẽ gọi là khối ngành kỹ thuật nhưng ngành học rất đa dạng. Từ đó, em mới tìm được thông tin để xem trường nào xét tuyển ngành đó theo tổ hợp C01 và trực tiếp liên hệ với nhà trường để có những tư vấn chuyên sâu hơn”.

Có thể thay đổi nguyện vọng khi đang đợi kết quả phúc khảo điểm thi không?

Không chỉ ban tư vấn, mà các tổ tư vấn của các trường ĐH,CĐ cũng nhận được những câu hỏi thú vị.

Một câu hỏi khác từ thí sinh: "Em đang làm thủ tục phúc khảo điểm thi thì có thể thay đổi nguyện vọng không?”. Câu hỏi tương tự của một bậc phụ huynh, có thể thay đổi nguyện vọng xét tuyển hay không? 

Trả lời câu hỏi của thí sinh, TS Nguyễn Đào Tùng , Trưởng ban quản lý đào tạo, Học viện Tài chính cho biết: “Các thí sinh đang phúc khảo điểm vẫn có thể an tâm thay đổi nguyện vọng. Kết quả phúc khảo sau đó sẽ được chuyển trực đến các trường mà các em có nguyện vọng chuyển để xem xét”.

Đối với câu hỏi của bậc phụ huynh, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, bộ GD&ĐT lý giải: “Việc thay đổi nguyện vọng không quá quan trọng đối với các em thí sinh. Thí sinh có thể thay đổi thứ tự, thay đổi số lượng,thay đổi tổ hợp ngành các thí sinh xét tuyển, các thí sinh có thể điền vào phiếu online hoặc trên giấy, ở những điểm tiếp nhận điểm thi và điền đầy đủ thông tin”.

“Tuy nhiên, chúng tôi không mong muốn các em thay đổi quá nhiều nguyện vọng, các thí sinh nên chọn ngành nghề các em yêu thích qua đó mới có hứng thú làm việc cho các em trong tương lai”, TS. Phụng nhấn mạnh.