Giáo dục

Thí sinh cần lưu ý những gì khi chọn phương thức xét tuyển vào đại học

Những năm gần đây, công tác tuyển sinh rất đa dạng về phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, thang điểm của mỗi phương thức, vì vậy thí sinh phải tìm hiểu thật kỹ.

Phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT

Đây vẫn là phương thức xét tuyển chính của các trường đại học vì độ tin cậy, khách quan của kỳ thi. Hiện nay có khoảng 11 khối thi ứng với 210 tổ hợp xét tuyển. Các trường đại học, cao đẳng có thể lựa chọn các tổ hợp môn xét tuyển dựa vào ngành đào tạo và yêu cầu, đặc thù riêng của mỗi trường nhưng các tổ hợp được sử dụng phổ biến là A00 (Toán – Lý - Hóa), A01 (Toán – Lý – Anh), B00 (Toán – Hóa – Sinh), D01 (Toán – Văn – Anh). Thí sinh có thể dựa vào tổ hợp xét tuyển, điểm chuẩn để biết được uy tín, thế mạnh trong đào tạo của các trường.

Thời gian qua có dư luận về việc một số trường xét tuyển bằng những tổ hợp lạ, ít liên quan đến ngành đào tạo hoặc không có môn chuyên ngành khi xét tuyển (ví dụ xét tuyển vào ngành Hóa học mà không có môn Hóa trong tổ hợp xét tuyển). Dù việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển chỉ mang tính tương đối trong tuyển sinh nhưng thí sinh nên cân nhắc lựa chọn ngành, trường có tổ hợp kiểu như vậy để bớt gặp khó khăn khi theo học chương trình ở đại học.

Ngoài ra, khi xét tuyển bằng phương thức này, thông thường các trường sẽ sử dụng từ 2 – 4 tổ hợp. Thống kê cho thấy, tổ hợp có môn Toán được sử dụng nhiều nhất, ví dụ: A00 (Toán – Lý – Hóa), bên cạnh đó nhiều trường quan tâm đến ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) nên các tổ hợp xét tuyển có môn thi tiếng Anh cũng được sử dụng phổ biến, ví dụ: D01 (Toán – Văn – Anh), A01 (Toán – Lý – Anh).

Bên cạnh phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT; các phương thức xét tuyển khác được nhiều trường sử dụng là:

Xét tuyển dựa vào điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM

Theo thống kê, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đang được khoảng 70 trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh 2021, chủ yếu khu vực phía Nam. Điểm này chỉ có 1 cột điểm nên dễ dàng cho thí sinh tìm hiểu và đơn giản trong đăng ký xét tuyển.

Xét tuyển dựa vào điểm học bạ (kết quả học tập ở THPT)

Đây là phương thức khá đa dạng về công thức tính và cách thức xét tuyển. Có trường sử dụng điểm của cả 3 năm học THPT tính theo tổ hợp xét tuyển (phần lớn giống như tổ hợp xét tuyển của phương thức điểm thi THPT), có trường chỉ sử dụng kết quả học tập của lớp 12; cũng có trường sử dụng kết hợp vừa điểm thi THPT và điểm học bạ; hoặc trường sẽ kết hợp điểm học bạ và điểm thi năng khiếu; sơ tuyển….

Xét tuyển dựa vào điểm xét tốt nghiệp THPT (điểm tốt nghiệp)

Công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: VietNamNet.

Theo phương thức này, điểm được tính bằng tỷ trọng 70% điểm của 4 môn thi dùng để xét tốt nghiệp và 30% điểm trung bình lớp 12 cộng với các điểm khuyến khích, ưu tiên (nếu có). Đây là phương thức mới, Trường ĐH Nha Trang là trường đại học đầu tiên áp dụng.

Các phương thức xét tuyển thẳng

Trước tiên là tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ. Bên cạnh đó, các trường tuyển thẳng chủ yếu đối với tốt nghiệp loại giỏi ở THPT; có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; thí sinh loại khá, giỏi ở top các trường THPT có điểm thi THPT cao nhất cả nước…

Điều cần quan tâm nữa là mỗi phương thức có cách tính khác nhau, có thang điểm khác nhau (thang điểm 10, thang điểm 30, thang điểm 40 khi có nhân hệ số môn thi chính; thang điểm 100;…). Thí sinh cần truy cập website tuyển sinh của từng trường để có thông tin chính xác nhất về phương thức, tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu; tổ hợp, cách tính điểm…

Sau đó, căn cứ vào điểm thi, điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, các chứng chỉ quốc tế (nếu có) để lựa chọn ngành và phương thức phù hợp nhất.

Một lưu ý nữa là mới đây, bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã hướng dẫn điều chỉnh lịch tuyển sinh ĐH và CĐ với phương thức xét tuyển chung dựa trên kết quả hai đợt thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và việc tuyển sinh đối với thí sinh sinh thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021.

Theo đó, thời gian điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 29/8 đến ngày 5/9. Thời gian công bố điểm chuẩn đại học 2021 là trước 17h ngày 16/9.

Thời gian gian xét tuyển thẳng là trước 17h ngày 12/8 đối với thí sinh tham dự kỳ thi THPT đợt 1 (có thể tiếp nhận hồ sơ của các địa phương nếu có); ngày 1/9 đối với thí sinh tham dự kỳ thi THPT đợt 2.

Các thí sinh trúng tuyển thẳng sẽ gửi Hồ sơ và xác nhận nhập học tại các cơ sở đào tạo trước 17h ngày 22/8 với thí sinh tham dự kỳ thi THPT đợt 1 và trước 17h ngày 3/9 đối với thí sinh tham dự kỳ thi THPT đợt 2.

Cơ sở đào tạo sẽ thông báo kết quả xét tuyển thẳng trước 17h ngày 25/8 với thí sinh dự thi đợt 1 và trước 17h ngày 4/9 với thí sinh dự thi đợt 2.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với khối ngành sư phạm và sức khỏe là ngày 26/8.

Thời gian công bố điểm sàn xét tuyển đại học: trước 17h ngày 28/8.

Thời gian điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học: Từ ngày 29/8 đến 17h ngày 5/9 (chỉ được điều chỉnh trực tuyến); điều chỉnh sai sót liên quan đến ưu tiên đối tượng, khu vực (thực hiện bằng phiếu và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ).

Trước 17h ngày 16/9, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn, kết quả trúng tuyển đợt 1.

Trước 17h ngày 26/9 (tính theo dấu bưu điện), thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học đợt 1.

Dự kiến từ ngày 3/10, các cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung (các trường chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 15 ngày so với ngày xét tuyển).

Từ tháng 9 đến tháng 12/2021, xét tuyển các đợt tiếp theo và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Lao Động)