Giáo dục

Thi giáo viên dạy giỏi: Loại bỏ liệu có dễ?

Cuộc thi giáo viên dạy giỏi vốn là nơi khơi tìm cảm hứng sáng tạo và đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên, tuy nhiên, đã xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng tới chất lượng giáo viên, có nên loại bỏ cuộc thi giáo viên dạy giỏi?

Cần rà soát kỹ, chuyên gia vào cuộc đánh giá

Trước vấn đề này, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nhận định: “Cuộc thi giáo viên dạy giỏi đã tồn tại từ rất nhiều năm nay, trở thành một đợt đánh giá giáo viên, một đợt kiểm tra kỹ năng, phương thức trình bày của giáo viên, áp dụng các quy định mới, phương án mới, cách giảng dạy mới, không giảng theo lối mòn xưa cũ. Từ đó, tạo cơ hội cho những giáo viên có phương pháp giảng dạy sáng tạo và hội tụ nhiều phẩm chất đạo đức tốt đẹp được tôn vinh. Đây cũng là cách để nâng cao chất lượng giáo dục, giảng dạy.

Tiêu cực ở Hải Phòng chỉ là một khiếm khuyết tại một đơn vị, chưa thể vội vàng bỏ luôn cuộc thi trên cả nước, không thể lấy một sự việc bao trùm tất cả hay đánh giá toàn bộ.

Vì thế, trước hết, cần kiểm tra, rà soát, đánh giá lại trong cả nước xem các địa phương đã triển khai cuộc thi thế nào, chất lượng thực tế ra sao và tiêu cực xảy ra đến mức độ nào. Nếu có những khiếm khuyết, bất cập, nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ thì nghiêm túc chấn chỉnh”.

Cuộc thi giáo viên dạy giỏi cần được rà soát và đánh giá kỹ lưỡng.

Bà Tôn Ngọc Hạnh cũng phân tích: “Nếu như các địa phương khác tổ chức cuộc thi giáo viên dạy giỏi nghiêm túc, cẩn thận và thực sự chất lượng, chỉ vì một địa phương tiêu cực, mà loại bỏ hoàn toàn thì có ổn không? Những người có thực lực đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cũng không khỏi cảm thấy chạnh lòng khi cuộc thi bị loại bỏ vì tiêu cực.

Nhân cơ hội này, nên rà soát, có sự vào cuộc đánh giá của các chuyên gia, tổng kết lại tiêu chuẩn giáo viên dạy giỏi, thành tích trước giờ ra sao, ưu điểm hay hạn chế nhiều hơn, hình thức ở mức độ nào”.

PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT cũng đánh giá: “Việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cũng đã có từ rất lâu, đã từng tạo động lực cho nhà giáo phấn đấu, cống hiến hết mình. Vấn đề hiện nay ở chỗ: vẫn tổ chức thi nhưng thi không thực chất, “diễn xuất” từ thầy trò đến giám khảo.

Vậy thì nên bỏ đi, nên làm thế nào cho có thực chất để có thể bình chọn được những người giáo viên dạy giỏi, phải làm đúng với ý nghĩa của danh hiệu giáo viên dạy giỏi”.

Ông phân tích: “Những sắp xếp như ở Hải Phòng vừa rồi, loại trừ hết học sinh yếu kém và chỉ để lại học sinh khá giỏi, thầy đến “biểu diễn”, một buổi dạy như vậy, thì nên loại bỏ ngay.

Không thể trong một lớp học mà thầy cô làm mất bình đẳng học sinh; dạy giỏi có nghĩa không phải chỉ dạy cho học sinh khá, giỏi mà thầy phải dạy sao cho tất cả các học sinh, kể cả từ yếu, kém, trung bình đều có thể tiếp thu được và lĩnh hội kiến thức.

Người giáo viên dạy giỏi là phải dạy giỏi toàn diện, không những dạy văn hóa mà còn phải dạy cả năng lực, đạo đức cho học sinh, đồng thời, giáo viên cũng phải là người trung thực và hội tụ nhiều phẩm chất khác mới xứng đáng là người thầy giáo giỏi”.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định cần chấm dứt tiêu cực cuộc thi giáo viên dạy giỏi.

“Bên cạnh đó, việc làm như vậy là cố tình thiếu trung thực, muốn trở thành một người giáo viên dạy giỏi, lại có sự sắp xếp và dối trá, mà theo tôi, dối trá đối với học sinh, là không nên, là những chuyện tối kỵ”, ông nhấn mạnh.

Cần giải pháp đánh giá năng lực thay thế

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh cũng khẳng định: “Nếu không tổ chức thi giáo viên dạy giỏi nữa, ngành giáo dục phải đưa ra một hình thức nào khác để đo lường chất lượng giáo viên hàng năm, cần một loại hình tương đương để kiểm tra chất lượng giảng dạy cũng như công nhận cấp bậc, trình độ của giáo viên, có thể xếp loại như xếp loại học sinh. Hình thức mới phải đảm bảo nâng cao thực chất, nâng cao tiêu chuẩn hơn”.

Những ngày qua, vấn đề xoay quanh cuộc thi giáo viên dạy giỏi đang được dư luận khá quan tâm, nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh còn gợi ý phương án để học sinh trực tiếp đánh giá chất lượng giáo viên.

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh gợi ý cần một hình thức thay thế để đánh giá chất lượng giáo viên.

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh cho rằng: “Để đi đến tổ chức thực hiện cuộc thi giáo viên dạy giỏi trong suốt nhiều năm qua, đã có cả một quá trình dài lâu. Nếu để học sinh đánh giá giáo viên, trước tiên, phải thử nghiệm thực hiện xem kết quả có khách quan, công tâm hay không. Bởi vì, trình độ học sinh cũng khác nhau và độ tuổi cũng chưa có cái nhìn toàn diện để đánh giá, chưa nhìn nhận tổng thể, bao quát được hết.

Tuy nhiên, học sinh là đối tượng được truyền thụ kiến thức trực tiếp, hiện nay, giáo dục đang hướng đến “lấy người học làm trung tâm”, thầy cô cũng nên lắng nghe ý kiến của học sinh. Vì vậy, đây có thể xem là một kênh tham khảo, còn coi là yếu tố quyết định để thay thế hoàn toàn cuộc thi giáo viên dạy giỏi thì chưa đủ sức”.