Chính sách

Thi công nhà ga ngầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: Giao thông thay đổi thế nào?

Từ ngày 1/6 tới, Hà Nội sẽ rào chắn, tổ chức lại giao thông trên phố Trần Hưng Đạo để phục vụ thi công nhà ga ngầm S12 thuộc tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Tin từ TTXVN, theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ ngày 1/6 tới, Hà Nội sẽ rào chắn, tổ chức lại giao thông trên phố Trần Hưng Đạo để phục vụ thi công nhà ga ngầm S12 thuộc tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Tổng chiều dài đoạn rào chắn để thi công nhà ga dài 202m, đoạn bị thu hẹp lòng đường là từ nút giao Lê Duẩn đến đối diện tòa nhà Ngân hàng Đại Dương. Còn lại 5m để tổ chức giao thông theo một chiều từ hướng Lê Duẩn đi vào phố Quán Sứ. 

Đường Trần Hưng Đạo sẽ bị rào chắn từ ngày 1/6 tới để xây nhà ga ngầm.

Về tổ chức giao thông khi rào chắn, Sở Giao thông Vận tải sẽ tổ chức một chiều cho các phương tiện lưu thông trên phố Trần Hưng Đạo. Các phương tiện có nhu cầu đi trên phố Trần Hưng Đạo theo hướng từ phố Quán Sứ ra Lê Duẩn đi theo hướng: Trần Hưng Đạo - Quán Sứ - Lý Thường Kiệt - Lê Duẩn hoặc Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng - Trần Ọuốc Toản - Lê Duẩn.

Các phương tiện xe cấp cứu, xe chở bệnh nhân... có nhu cầu vào Bệnh viện Tim Hà Nội được phép lưu thông 2 chiều trên tuyến đường Trân Hưng Đạo đoạn từ cổng Bệnh viện tim Hà Nội đến phố Quán Sứ.

Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cũng nghiên cứu điều chỉnh các tuyến xe buýt 03A, 11 đi theo lộ trình: Trần Hưng Đạo - Quán Sứ - Lý Thường Kiệt - Lê Duẩn.

Đồng thời giữ nguyên lộ trình 2 tuyến là tuyến số 38 và tuyến xe Bảo Yến đi theo hướng Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo do phố Trần Hưng Đạo vẫn tố chức giao thông một làn xe hỗn hợp một chiều theo hướng Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo, bề rộng mặt đường còn lại sau khi quây rào là 5m.

Tiến độ thi công dự kiến khoảng 459 ngày (tương đương 15 tháng).

Trước đó, theo VnExpress, ngày 24/4, nhà thầu phụ trách phần ga ngầm cho dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cho biết, từ tháng 6, đơn vị sẽ thi công cọc thử cho các ga ngầm và tháng 8 làm đại trà, kéo dài tới cuối năm 2020.

Việc xử lý nền bốn ga ngầm Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu và ga Hà Nội sẽ áp dụng công nghệ khoan phụt vữa áp lực cao mới nhất của Nhật Bản. Đại diện đơn vị thi công chia sẻ, do mặt bằng thi công ở Hà Nội chật hẹp, nhiều nhà dân xung quanh nên đòi hỏi kỹ thuật cao để không ảnh hưởng các công trình lân cận.

Thời gian qua, nhà thầu này đã khảo sát địa chất, thi công cọc cừ, tường vây tại phần ram dốc Kim Mã, ga S9 Kim Mã và ga S10 Cát Linh.

Ga S12 - Trần Hưng Đạo là điểm cuối của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội và nằm ở vị trí trung tâm TP. Hành khách xuống ga có thể kết nối thuận tiện với hệ thống đường sắt tại ga Hà Nội.

Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đi qua các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, dài 12,5 km, có 12 ga, trong đó có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm.

Dự án được khởi công từ tháng 9/2010 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017, tổng mức đầu tư dự án sau hai lần tăng giá là 36.000 tỷ đồng. Gần đây nhất, TP Hà Nội yêu cầu các nhà thầu hoàn thiện dự án vào năm 2022.

(theo Zing.vn)