Giáo dục

Thêm trường mở ngành đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp

Việc đào tạo chính quy dạy môn tích hợp được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề vướng mắc trong giảng dạy hiện nay.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã ký quyết định về việc cho phép Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý (mã số 7140249) và Khoa học tự nhiên (mã số 7140247) trình độ đại học.

Theo đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ thực hiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, cấp bằng theo các quy định hiện hành; đánh giá chất lượng và kiểm định chương trình đào tạo theo quy định tại Khoản 5 Điều 33 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung).

Trước đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được phép đào tạo 29 ngành sư phạm (bao gồm cả ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý; Khoa học tự nhiên) và 16 ngành ngoài sư phạm.

Năm nay, nhà trường sử dụng 5 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét tuyển thẳng; Xét học bạ THPT; Thi tuyển (thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực); Kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Xét tuyển thẳng các thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng được quy định tại khoản 1, 2, điều 8 của Quy chế tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ GD&ĐT (gọi tắt là diện XTT1). Thí sinh phải nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi chuyển phát nhanh về Trường ĐHSP Hà Nội.

Ưu tiên cộng điểm hoặc phỏng vấn xét tuyển thẳng nếu thí sinh có viết bài luận đạt kết quả tốt. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tổ chức thi các môn năng khiếu đối với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục Mầm non và Giáo dục Mầm non – Sư phạm Tiếng Anh.

Môn tích hợp là môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, áp dụng giảng dạy trong các trường THCS từ năm 2021. Trong đó, môn khoa học tự nhiên tích hợp từ môn lý, hóa, sinh của chương trình cũ. Môn lịch sử và địa lý tích hợp từ môn lịch sử và địa lý của chương trình cũ. Tuy nhiên, quan điểm xây dựng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới, theo hướng phát triển năng lực - phẩm chất học sinh.