Tiêu điểm thế giới

Thêm một quốc gia nhận “tối hậu thư” từ Mỹ vì mua S-400 của Nga

Mỹ khẳng định không có ngoại lệ miễn trừng phạt đối với các quốc gia dính líu tới hệ thống phòng thủ S-400 của Nga. Và, vấn đề về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ trong trường hợp nước này mua hệ thống phòng không S-400 là điều cần cân nhắc.

Theo TASS, không lâu sau khi Mỹ đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống phòng thủ tân tiến S-400 của Nga, Mỹ khẳng định không có ngoại lệ miễn trừng phạt đối với các quốc gia dính líu tới vũ khí này của Nga.

Cụ thể, Washington sẽ xem xét vấn đề áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ trong trường hợp nước này ký kết hợp đồng với Nga để mua S-400. Tuyên bố này được bà Alice G. Wells, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Nam và Trung Á cho biết hôm 13/6.

Ấn Độ rất quan tâm đến hệ thống phòng thủ S-400 của Nga

"Tại một số thời điểm, cần phải đưa ra lựa chọn chiến lược liên quan đến quan hệ đối tác, lựa chọn chiến lược liên quan đến hệ thống vũ khí và cương lĩnh mà đất nước sẽ thực hiện", bà Wells nói khi phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện.

Theo bà Alice Wells, vấn đề về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ trong trường hợp nước này mua hệ thống phòng không S-400 là điều cần cân nhắc và Mỹ tiếp tục thảo luận về cách “giúp Ấn Độ” không mua S-400.

Bà Wells nhấn mạnh đến việc mối quan hệ hợp tác kỹ thuật – quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ trong 18 năm qua đã được nâng “từ con 0 số lên 18 tỷ USD”, đồng thời bày tỏ hy vọng về sự phát triển hơn nữa của mối quan hệ hợp tác quốc phòng này. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng hiện nay vẫn còn ít nhất khoảng 65-70% trang bị khí tài của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga.

Thỏa thuận về việc chuyển giao 5 trung đoàn S-400 “Triumph” đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ký kết vào tháng 10/2018. Hợp đồng đã có hiệu lực vào ngày 5/2/2019. Theo đó, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ ba, sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đặt mua các tổ hợp vũ khí này của Nga.

S-400, do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300. Hệ thống này được biên chế từ tháng 4/2007 và lần đầu triển khai trên thực địa 4 tháng sau đó. Nga thiết lập 4 trung đoàn S-400 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia tại Moscow, vùng Kaliningrad và quận Quân sự phía Đông.

Hệ thống có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.

S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.

Thực chất S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm. Nó có thể hạ mục tiêu như chiến đấu cơ ở độ cao 27 km hoặc các mục tiêu tầm thấp, cách mặt đất chỉ từ 5 - 10 m. Đây là đặc điểm mà không hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất kỳ quốc gia nào làm được.