Thế giới

Thêm một "nạn nhân" chịu ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng

Ngoài những khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt chip bán dẫn, ngành ô tô “có thể sẽ phải đối mặt với áp lực lớn” từ chi phí năng lượng tăng vọt.

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đã khiến ngành sản xuất ô tô châu Âu tê liệt trong đại dịch. Giờ đây, có một mối hiểm nguy đang rình rập ngành công nghiệp này: giá năng lượng đang leo thang, làm tê liệt hoạt động sản xuất ô tô trên lục địa đen.

Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng của châu Âu - gây ra do Nga siết chặt nguồn cung khí đốt vào đầu năm nay - đã ảnh hưởng đến một số ngành thâm dụng năng lượng như sản xuất thủy tinh và thép. Không những thế, nó còn có thể làm giảm sản lượng ô tô sản xuất mới xuống hàng triệu chiếc, theo một dự báo về ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Trong trường hợp xấu nhất, cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu có thể khiến sản lượng ô tô giảm xuống hơn một triệu chiếc xe mỗi quý, bắt đầu từ quý cuối cùng của năm nay cho đến cuối năm 2023, một báo cáo mới được công bố hôm 11/10 của S&P Global Mobility cho thấy.

Với tiêu đề “Mùa đông đang gõ cửa”, báo cáo S&P Global Mobility cho biết chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ô tô - vốn đang quay cuồng với đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine “có thể sẽ phải đối mặt với áp lực lớn” từ chi phí năng lượng tăng vọt hoặc thậm chí là cắt điện.

“Với giá năng lượng ở châu Âu tăng chóng mặt ... một mùa đông khắc nghiệt có thể khiến một số ngành ô tô không thể duy trì dây chuyền sản xuất”, báo cáo này cho biết.

Theo báo cáo của S&P Global Mobilit, các dự báo ban đầu của ngành đưa sản lượng sản xuất ô tô vào khoảng 4 triệu đến 4,5 triệu xe mới trong mỗi quý của năm 2023. Nhưng hóa đơn tiện ích cao và khả năng chính phủ yêu cầu các công ty giảm sử dụng điện trong trường hợp hạn chế năng lượng, có thể đưa con số đó xuống 2,75 triệu xe mỗi quý, giảm gần 40%.

Khó khăn bủa vây

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), sản lượng ô tô chở khách ở Liên minh châu Âu năm 2020 giảm hơn 23% so với trước đại dịch.

Sự sụt giảm phần lớn là do các vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng khan hiếm chip bán dẫn cần thiết cho sản xuất ô tô. Những vấn đề này vẫn tồn tại vào năm 2021, khiến sản lượng giảm thêm 7,7%.

Bước sang năm 2022, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Theo nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen, sự thiếu hụt có thể kéo dài ít nhất đến năm 2024, nhưng các nhà sản xuất ô tô đang điều chỉnh để đối phó với cuộc khủng hoảng này. Chính phủ châu Âu đã công bố kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào sản xuất trong nước trong những năm tới.

Tình trạng khan hiếm chip gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp ô tô châu Âu trong giai đoạn 2021-2022. Ảnh: Tech Republic

Trong một dự báo từ tháng 2 năm nay, ACEA dự đoán rằng thị trường xe hơi châu Âu sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2022, với doanh số bán hàng mới tăng gần 8% so với mức năm 2021.

Theo một nghiên cứu của công ty bảo hiểm Allianz được công bố vào tháng 9, sự thiếu hụt chất bán dẫn và chip do gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19 khiến ngành công nghiệp ô tô châu Âu thiệt hại gần 100 tỷ Euro trong giai đoạn 2021-2022.

Số lượng xe ô tô được sản xuất trên toàn cầu giảm gần 18 triệu xe trong giai đoạn này, trong đó ngành công nghiệp ô tô châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tình trạng thiếu hụt càng trầm trọng hơn trong năm nay do cuộc xung đột Nga – Ukraine và chính sách zero Covid của Trung Quốc.

Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng

Trước cuộc khủng hoảng năng lượng, chi phí khí đốt và điện là một thành phần tương đối nhỏ trong hóa đơn nguyên vật liệu của một chiếc xe, thường ít hơn 50 EUR/chiếc.

Giờ đây, với chi phí dao động tăng từ 687 - 773 EUR mỗi chiếc, do nguyên liệu thô tăng giá.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng năng lượng ở lục địa này, buộc các nhà sản xuất ô tô phải thay đổi kế hoạch sản xuất.

Chi phí năng lượng cao đã trở thành một “yếu tố bổ sung của sự hỗn loạn”, ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành của công ty Stellantis, một công ty sản xuất ô tô đa quốc gia có trụ sở tại Hà Lan cho biết.

Công nhân đang làm việc trong nhà máy Bentley ở Anh. Ảnh: Automotive News Europe

Ông Tavares nói thêm rằng công ty Stellantis đang tìm cách giảm tiêu thụ năng lượng, thậm chí tự sản xuất điện năng lượng mặt trời làm giảm chi phí mà không giảm sản lượng.

Sự gia tăng chi phí năng lượng đã đến mức “đáng báo động”, Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô Vương quốc Anh (SMMT) cho biết hồi tháng 8. Hiệp hội này cũng cảnh báo rằng giá cả leo thang đang đe dọa sự phục hồi sản xuất xe ở Anh.

SMMT cho rằng chi phí năng lượng cao là “mối quan tâm lớn nhất” đối với các nhà sản xuất ô tô Anh vào cuối tháng 9.

Sản lượng xe ô tô mới ở Anh vẫn thấp hơn gần 46% so với mức trước đại dịch, theo SMMT. Trong khi đó ở EU, ACEA dự đoán doanh số bán xe vào năm 2022 sẽ vẫn thấp hơn 26% so với năm 2019.

Tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn vào mùa đông này, khi nhu cầu năng lượng lên đến đỉnh điểm và hóa đơn điện nước có thể tăng tới 2 nghìn tỷ EUR trên khắp lục địa.

Nếu nguồn cung năng lượng trở nên hạn chế, các chính phủ châu Âu có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp phân bổ năng lượng, đồng thời cắt giảm hoạt động công nghiệp.

“Đối với một ngành vốn đang phải vật lộn với lượng xe tồn kho thấp trong các showroom đại lý, một cuộc khủng hoảng nữa có thể xảy ra trên quy mô toàn cầu”, báo cáo của &P Global Mobility cho biết.

Nguyễn Tuyết (Theo Fortune, Reuters, Brussels Times)