Thế giới

Thế khó khi Slovakia đối mặt “cạnh tranh không lành mạnh” từ Ukraine

Slovakia đang phải đối mặt với một nhiệm vụ ngày càng khó khăn là làm thế nào để tiếp tục hỗ trợ Ukraine đồng thời bảo vệ ngành nông nghiệp của chính mình.

Sau khi lệnh cấm ở cấp EU hết hiệu lực, giống như Ba Lan và Hungary, Slovakia tiếp tục tự mình gia hạn các hạn chế đối với ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine nhằm bảo vệ nông dân trong nước, đồng thời đồng ý tạo ra một hệ thống thương mại ngũ cốc dựa trên việc cấp và kiểm soát giấy phép.

Tuy nhiên, điều đó mới chỉ giải quyết được thị trường trong nước, trong khi với khoảng 50% lượng ngũ cốc sản xuất ra được xuất khẩu, quốc gia Trung Âu đang đối mặt với mối đe dọa mới từ việc dòng ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn vào thị trường các nước thứ 3, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) cho biết hôm 24/10.

Ukraine là một trong những nước sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu lớn nhất thế giới. Cho đến gần đây, hầu hết hàng xuất khẩu của nước này đều được chuyển đến các khu vực ngoài EU.

Tuy nhiên, việc Nga “đóng cửa” Biển Đen sau khi rút khỏi thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, đồng nghĩa với việc Ukraine hiện bị cắt đứt các tuyến xuất khẩu truyền thống, và buộc phải dựa vào các con đường khác như các tuyến quá cảnh đường bộ qua các nước Đông và Trung Âu, bao gồm Slovakia, trong khuôn khổ “Hành lang Đoàn kết” do EU thiết lập.

Một chiếc trong đội tàu thứ hai vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine đi qua eo biển Bosphorus ở Istanbul, ngày 7/8/2022, trong khuôn khổ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen giữa Nga và Ukraine, do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Thỏa thuận đã sụp đổ từ cuối tháng 7/2023 sau khi Nga rút lui. Ảnh: Xinhua

Kết quả là giá ngũ cốc ở thị trường nội địa Slovakia giảm xuống mức thấp lịch sử và hàng hóa do nông dân địa phương sản xuất để xuất khẩu có nguy cơ bị “đổ bờ”.

Lệnh cấm là chưa đủ

Tại một trang trại lớn gần thị trấn Trnava, trong khu vực thường được coi là vựa lúa mì của đất nước, vụ mùa vừa được thu hoạch và ngũ cốc đã ở trong kho. Bây giờ máy kéo đang cày đất cho vụ tiếp theo, nhưng triển vọng không mấy sáng sủa đối với trang trại này.

Các chủ trang trại gặp khó khăn trong việc ra quyết định có nên gieo trồng vụ mùa tiếp theo hay không khi giá ngũ cốc trong nước giảm xuống mức thấp nhất là 200 USD/tấn. Họ đổ lỗi cho giá thấp là do ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn vào.

Chính phủ Slovakia đã cố gắng bảo vệ sản xuất trong nước bằng cách cấm nhập khẩu những mặt hàng đó, đặc biệt khi họ đang ở một trong những năm có năng suất cây trồng cao kỷ lục. Và đối với người nông dân, lệnh cấm đó là chưa đủ vì Slovakia là một trong những quốc gia đồng ý trung chuyển ngũ cốc Ukraine sang các thị trường thứ ba.

“Lúa mì được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc, Áo, Italy và Đức, và ở các nước đó không có lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine”, ông Peter Marko từ trang trại AgroPodnik nói với CGTN.

“Đó là lý do tại sao họ có thể nhập khẩu hàng của Ukraine, trong khi họ cũng chính là khách hàng của chúng tôi. Vì vậy, ngay cả khi việc nhập khẩu vào Slovakia bị cấm, lúa mì Ukraine vẫn chảy đến những nơi khác, và chúng tôi không được bảo vệ”, ông Marko giải thích.

Thu hoạch lúa mì tại một trang trại gần Kramatorsk, vùng Donetsk, ngày 4/8/2023, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn. Ảnh: Getty Images

Trước thực tế này, các nhà sản xuất ngũ cốc Slovakia phải đấu tranh với điều mà họ gọi là “cạnh tranh không lành mạnh” trên các thị trường xuất khẩu truyền thống của mình.

Họ lập luận rằng các nhà sản xuất ngũ cốc Ukraine có thể trồng ngũ cốc theo những quy định ít nghiêm ngặt hơn của các nước ngoài EU, sử dụng lao động, máy móc và nhiên liệu rẻ hơn nhiều. Đó là lý do tại sao họ có thể cung cấp ngũ cốc cho thị trường các nước EU với mức giá thấp hơn của Slovakia.

Nhiệm vụ ngày càng khó khăn

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Slovakia Jozef Bires xác nhận rằng chính phủ nước này đang giúp vận chuyển ngũ cốc Ukraine sang thị trường thứ ba.

“Ngay cả sau khi chúng tôi ban hành lệnh cấm ở Slovakia đối với 4 mặt hàng từ Ukraine, điều đó không có nghĩa là sự trợ giúp – đặc biệt là liên quan đến việc quá cảnh ngũ cốc qua Slovakia đến những nơi cần đến – đã dừng lại”, Bộ trưởng Bires nói với CGTN.

“Thứ Sáu tuần trước (ngày 22/10), tôi đã đến thăm khu vực biên giới giữa Slovakia và Ukraine. Chúng tôi sẽ tăng tốc vận chuyển và rút ngắn thời gian chờ đợi trung chuyển”.

Nông dân Slovakia cũng cho biết rằng lệnh cấm nhập khẩu 4 loại hàng nông sản Ukraine, bao gồm lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương, không ngăn được việc nhập khẩu các sản phẩm sản xuất từ chúng như dầu hạt cải, dầu hướng dương và bột mì, tràn ngập thị trường Slovakia. Tất cả những sản phẩm của Ukraine cũng rẻ hơn nhiều so với những mặt hàng được sản xuất ở Slovakia, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ địa phương bị suy giảm.

Giờ đây, chính phủ và nông dân Slovakia đang phải đối mặt với một nhiệm vụ ngày càng khó khăn: Làm thế nào để tiếp tục hỗ trợ Ukraine đồng thời bảo vệ ngành nông nghiệp của chính mình.

Minh Đức (Theo CGTN, Reuters)