Tài chính - Ngân hàng

Thế Giới Di Động không còn mặn mà với điện thoại?

Từ đầu năm tới giờ, Thế Giới Di Động đã đóng cửa 11 cửa hàng còn nếu tính từ đầu 2018 tới nay, con số đã lên tới 51 cửa hàng. Có phải ngành hàng điện thoại đã lỗi thời?

Báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động- MWG cho biết tính đến cuối tháng 4, công ty này đang vận hành và quản lý tổng cộng 2.324 cửa hàng với 3 chuỗi thegioididong.com, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh.

4 tháng đầu năm 2019 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 34.122 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.424 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 15% doanh thu thuần và 36% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm 2018.

Báo cáo cho biết, tính riêng tháng 4, công ty đã đạt mức tăng trưởng doanh thu cao thứ 2 chỉ sau tháng đầu năm là 31%, trong khi lợi nhuận ròng thậm chí còn tăng trưởng ấn tượng hơn lên đến 62% so với tháng 4/2018. Theo giá trị luỹ kế, Thế Giới Di Động đã hoàn thành 31% kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2019.

Liên tiếp cắt giảm cửa hàng điện thoại

Trong số cửa hàng và công ty đang vận hành này, chuỗi thegioididong.com vẫn dẫn đầu về số lượng khi có tới 1.021 cửa hàng, trong khi chuỗi Điện Máy Xanh là 791 cửa hàng và Bách hóa Xanh là 512 cửa hàng.

Như vậy, chỉ trong tháng 4, chuỗi Điện Máy Xanh đã tăng thêm 17 cửa hàng thông qua việc mở mới, và chuyển đổi từ chuỗi thegioididong.com. Còn chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh thậm chí đã tăng thêm tới 43 cửa hàng trong tháng 4.

Chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động đang giảm nhanh.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất chính là việc Thế giới Di động tiếp tục cắt giảm số cửa hàng trong chuỗi thegioididong.com.

Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, Thế Giới Di Động đã đóng 11 cửa hàng. Còn nếu tính từ đầu năm 2018 với 1.072 cửa hàng thì đến cuối tháng 4 chỉ còn 1.021 cửa hàng, nghĩa là công ty này đã đóng tới 51 cửa hàng thegioididong.com.

Điều này được xem là chưa có tiền lệ vì những năm trước đó, thegioididong.com luôn là động lực tăng trưởng chính của công ty và mang về nhiều doanh thu nhất cho Thế giới Di động.

Cùng với việc liên tiếp đóng các cửa hàng điện thoại, tỷ trọng doanh thu của chuỗi này cũng giảm đáng kể. Các cửa hàng điện thoại chỉ mang về 34% trong tổng số 34.122 tỷ đồng doanh thu 4 tháng từ đầu năm, tương đương 11.600 tỷ đồng. Trong khi, chuỗi Điện máy Xanh với số cửa hàng ít hơn rất nhiều lại mang về tới hơn 20.200 tỷ đồng, tương đương 59,2%.

Đà cắt giảm số cửa hàng cũng khiến tỷ trọng đóng góp doanh thu của chuỗi này cũng liên tục sụt giảm.

Điện thoại đã lỗi thời hay…?

Việc đóng cửa hàng loạt được cho là thị trường điện thoại di động đã tới ngưỡng bão hòa, số lượng điểm bán của Thế Giới Di Động đã vượt quá sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc đóng cửa này, theo Thế Giới Di Động, chủ yếu là để chuyển đổi mô hình – từ cửa hàng bán điện thoại di động sang cửa hàng Điện Máy Xanh cho phù hợp với xu hướng phát triển.

Trong khi các cửa hàng thegioididong.com không bán các sản phẩm của Điện Máy Xanh thì toàn bộ cửa hàng trong chuỗi Điện Máy Xanh đều bán tất cả sản phẩm của thegioididong.com.

Chuỗi Điện Máy Xanh đang tăng mạnh.

Theo đó, tại ngày 30/4/2019, Thế Giới Di Động có 2.324 cửa hàng, tăng thêm 58 cửa hàng so với cuối tháng 3. Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh có 17 cửa hàng tăng thêm do cả mở mới và chuyển đổi từ cửa hàng thegioididong.com.

Báo cáo của công ty cũng cho biết, Thế Giới Di Động đã nâng cấp thành công 83 cửa hàng Điện Máy Xanh mini bằng layout trưng bày mới để tối ưu hoá doanh thu. Chuỗi Bách Hóa Xanh duy trì việc mở rộng nhanh chóng với 43 cửa hàng tăng thêm, chạm mốc 512 cửa hàng cuối tháng 4.

Thực tế, ngành hàng điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, phụ kiện, thiết bị đeo vẫn đang là ngành mang lại nhiều doanh thu nhất cho Thế giới Di động.

Kể từ khi lên nắm vị trí CEO Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (quản lý hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh), ông Đoàn Văn Hiểu Em luôn lưu ý đến việc tối ưu không gian trưng bày. Theo đó, các siêu thị Thế Giới Di Động sẽ được chuyển sang Điện máy Xanh Mini, tức vừa bán điện thoại nhưng vẫn bán được mặt hàng điện máy. Ở các siêu thị Điện Máy Xanh khác, chuỗi này nâng cấp lên thành cửa hàng rộng lớn hơn để trưng được nhiều hàng hoá hơn.

Theo ông Hiểu Em, sau thời gian nâng cấp, doanh thu chung của các cửa hàng tăng lên 30% so với trước.

“Chỉ riêng mặt hàng TV có thể kê thêm kệ nhiều tầng, đặt thêm các model khác nhau, các hãng khác nhau. Khách khi có nhiều lựa chọn sẽ kích thích mua sắm hơn”, ông Hiểu Em nói với ICTnews.

Tuy vẫn là nguồn thu chính của Thế giới Di động nhưng ngành hàng điện thoại cũng đang bị nhóm sản phẩm điện máy bám đuổi rất nhanh.

Năm 2018, hàng điện máy mới mang về cho công ty 37% tổng doanh thu, trong khi điện thoại lên tới 53%, thì trong 4 tháng từ đầu năm 2019, tỷ trọng doanh thu từ các sản phẩm điện máy đã là 42,6%, còn điện thoại giảm về 46,6%.

Trong báo cáo mới đây của Thế giới Di động, chỉ trong tháng 4, các cửa hàng Điện Máy Xanh đã bán tổng cộng gần 200.000 bộ máy lạnh, doanh số kỷ lục từ trước đến nay, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước và bằng tới một nửa tổng số lượng bán ra của sản phẩm này trong cả năm 2018.

Hiếu Nguyễn