Thế giới

Thế giới cần đầu tư thêm 3,5 nghìn tỷ USD/năm để đạt mục tiêu khí hậu

Để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, khoản đầu tư cho tài sản hữu hình về năng lượng và hệ thống sử dụng đất sẽ lên tới khoảng 275 nghìn tỷ USD.

Theo báo cáo từ công ty quản lý và tư vấn toàn cầu McKinsey & Company công bố hôm thứ Ba (25/1), để thực hiện hóa cam kết của các chính phủ và công ty là đạt được mức phát thải nhà kính bằng 0 vào năm 2050, thế giới cần đầu tư thêm 3,5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Số tiền đó tương đương với một nửa lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu, một phần tư tổng doanh thu từ thuế, hay 7% chi tiêu hộ gia đình vào năm 2020.

Báo cáo ước tính tác động của quá trình chuyển đổi đối với nhu cầu, sự phân bổ vốn, chi phí và việc làm giữa các lĩnh vực tại 69 quốc gia, chiếm khoảng 85% lượng khí thải toàn cầu. Theo McKinsey, chi phí đầu tư cho tài sản hữu hình về năng lượng và hệ thống sử dụng đất trong quá trình chuyển đổi sẽ lên tới khoảng 275 nghìn tỷ USD, tương đương với trung bình 9,2 nghìn tỷ USD mỗi năm - nhiều hơn 3,5 nghìn tỷ USD so với số tiền hàng năm hiện nay để chi cho những tài sản đó.

Bà Mekala Krishnan, chuyên gia tại McKinsey Global Institute và là tác giả chính của báo cáo trên, nhận định: “Sự chuyển đổi để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ dẫn đến một sự chuyển đổi kinh tế lớn”.

Báo cáo cho rằng 1 nghìn tỷ USD chi tiêu hàng năm hiện nay phải được phân bổ lại, chuyển từ các tài sản phát thải cao sang các tài sản phát thải thấp, để đạt được sự chuyển đổi phát thải ròng bằng 0.

Quá trình chuyển đổi để đạt phát thải ròng bằng 0 sẽ có tác động đáng kể đến lao động, dẫn đến tăng khoảng 200 triệu việc làm trong khi làm mất khoảng 185 triệu việc làm khác trên toàn thế giới vào giữa thế kỷ này. 

Báo cáo của McKinsey kêu gọi các doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức chuẩn bị cho những biến động trong quá trình chuyển đổi này, đồng thời thúc đẩy các bên liên quan tăng cường nỗ lực khử cacbon và thích ứng với rủi ro khí hậu.

Một lòng hồ nứt khô ở trong trận hạn hán ở thành phố Oroville, bang California, Mỹ vào ngày 11/10/2021. Ảnh: Bloomberg.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), để đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris, thế giới cần giảm gần một nửa lượng khí thải trong vòng một thập kỷ tới và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, thế giới đã nóng lên khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và ​​nhiệt độ toàn cầu đang trên đà tăng 2,4 độ C vào cuối thế kỷ này.

Nếu không nỗ lực hành động, hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ rất nặng nề. Theo công ty bảo hiểm Swiss Re, tác động của biến đổi khí hậu có thể làm sụt giảm 11-14% sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm 2050 so với kịch bản tăng trưởng không có biến đổi khí hậu, tương đương với thiệt hại lên tới 23 nghìn tỷ USD của kinh tế toàn cầu.

Ông Dickon Pinner, một chuyên gia tại McKinsey, cho biết: “Quá trình chuyển đổi kinh tế để đạt được phát thải ròng bằng 0 là rất phức tạp và nhiều thách thức. Những báo cáo của chúng tôi là lời kêu gọi về hành động thận trọng, khẩn cấp và quyết đoán hơn để đảm bảo quá trình chuyển đổi phát thải ròng bằng 0 hiệu quả vào năm 2050”.  Ông chia sẻ thêm rằng: “Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu ​​thế giới có thể hành động mạnh mẽ, tăng cường các phản ứng cũng như đầu tư cần thiết trong thập kỷ tới hay không".

Hà Thanh (theo CNBC, Swissre)