Thầy tôi!

Thầy là người không chỉ dạy tôi kiến thức mà còn dạy tôi cả cách sống, cách làm người.

 

Bao năm qua, thầy tôi đã ươm mầm ước mơ cho biết bao thế hệ sinh viên.

Thầy! Tiếng gọi chỉ vỏn vẹn một từ thôi nhưng lại hàm chứa hàng trăm điều để nói.

Thầy! Tiếng gọi tưởng chừng như đơn điệu nhưng hằng sâu bên trong là hàng vạn tình cảm không thể nào đong đếm.

Bốn năm đại học, một quãng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để tôi dành cho thầy những tình cảm đặc biệt nhất. Thầy không chỉ dạy tôi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn dạy tôi cách sống, cách làm người. Trên giảng đường, thầy phụ trách giảng dạy tôi một số môn liên quan đến báo phát thanh.

Vì là người Bắc, giọng thầy rất cuốn hút và truyền cảm. Mỗi khi thầy giảng bài là đứa nào đứa nấy lại lắng nghe say sưa, không bỏ sót một lời nào. Nghe thầy kể, trong hơn 20 năm làm báo, thầy đã nhận rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác nhau, trong đó có giải vàng Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2016.

Tôi và thầy bắt đầu gặp gỡ nhau nhiều hơn vào kỳ hai năm tư đại học. Thời gian đó, lớp tôi đang loay hoay tìm địa điểm thực tập cuối khóa. Đến hạn nộp, toàn bộ lớp tôi đã chọn được nơi thực tập. Chỉ có mỗi tôi là đang chật vật không biết phải điền vào tờ đơn thực tập ở đâu.

Đang mãi đắn đo thì có một anh bạn cùng lớp chạy đến bàn tôi hỏi: “Mày thực tập ở đâu vậy”. Giọng ủ rũ, tôi trả lời: “Chưa tìm được mày ơi”. Nó liền nói: “Bên cơ quan thầy còn nhận sinh viên thực tập kìa. Mày thử liên hệ thầy xem thế nào”. Tôi chợt bừng tỉnh, thốt to: “Vậy hả”. Tiếng thốt khiến lũ bạn trong lớp giật mình.

Thế là tôi xin số điện thoại gọi cho thầy. Lúc đó tôi nhát lắm. Gọi cho thầy mà cứ sợ sợ. “Alo”. Một giọng nói trầm cất lên khiến tôi giật mình. Tôi vội chào thầy với giọng ngập ngừng. Thầy bảo gọi đến có chuyện gì. Tôi vội đáp: “Em gọi đến để xin thực tập ạ”. Thầy mắng tôi sao đến ngày cuối rồi mà vẫn chưa chọn được nơi thực tập.

Giọng run run, tôi trả lời: “Do em không muốn về quê thực tập, muốn ở lại Đà Nẵng thầy”. Thầy nghiêm giọng: “Thực tập mà mấy anh mấy chị cũng không chịu lo”. Lúc ấy tôi nghĩ thôi mình xác định rồi. Bỗng nhiên thầy hạ giọng: “Tuần sau xuống 38 Yên Bái, Đà Nẵng nộp hồ sơ thực tập ”. Tôi vội dạ dạ, rồi cúp máy thở phào nhẹ nhõm.

Sáng thứ hai, tôi cùng 3 đứa bạn cùng lớp đến cơ quan thầy nộp hồ sơ thực tập. Thầy đến rất sớm, dẫn chúng tôi ra quán cà phê gần cơ quan ngồi trò chuyện một chút. Không nhắc lại chuyện cũ, thầy chỉ hỏi tôi đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ chưa.

Tôi gãi đầu, giọng cười cười: “Dạ rồi thầy ạ”. Ngồi cạnh thầy, tôi nhận thấy thầy khác hẳn so với trên lớp. Sợ chúng tôi quên, thầy dặn khi ra vào cơ quan phải nhớ chào hỏi các anh chị ở đây. Sau đó, thầy giải thích rất cặn kẽ những công việc chúng tôi phải làm trong thời gian 3 tháng thực tập. Thầy cũng chỉ khu vực từng phòng ban cho chúng tôi dễ hình dung.        

Cà phê xong, thầy đưa chúng tôi lên gặp Giám đốc để nộp hồ sơ. Lần đầu vào một cơ quan lớn, tôi cảm thấy khá bối rối, run sợ. Thầy khuyên tôi “Mạnh dạn lên, không có gì phải sợ hết”. Lên đến nơi, thấy chúng tôi còn bỡ ngỡ, thầy liền vào trong trình bày với Giám đốc về việc nhận sinh viên thực tập.

Chúng tôi ngồi đợi bên ngoài, trong người vẫn hồi hộp. 5 phút sau, Giám đốc ra trò chuyện và sau đó chấp nhận cho chúng tôi vào thực tập. Người chịu trách nhiệm hướng dẫn chúng tôi trong thời gian ở đây không ai khác là thầy.

Vì phòng thầy đang công tác là phòng tiếng dân tộc Cơtu, thế nên vào ngày đầu tiên, tôi đã được thầy giao nhiệm vụ lên Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) viết bài. Thầy bảo: “Cứ lên đi. Lên đó có gì viết nấy. Rồi tự kiếm chỗ ăn ở”. Nhưng thực ra là thầy lo liệu cả rồi. Chúng tôi lên đến nơi là có người ra đón, sắp xếp cho chỗ ở.

Nghề báo thật lắm gian nan. Thầy muốn thử thách chúng tôi nên toàn yêu cầu đi đến những bản làng ở vùng cao không có điện, sóng điện thoại để viết bài. Gặp thời điểm mưa lũ, đất đá sạt lở, sợ chúng tôi gặp nguy hiểm, thầy nhờ người dẫn chúng tôi đi cùng. Bên ngoài, thầy cứ hay nói: “Phóng viên mà sợ khổ, sợ gian nan”, nhưng sâu bên trong thầy lo lắng cho chúng tôi lắm.

Rồi 3 tháng thực tập cũng qua mau. Bao cuộc trò chuyện, bao kỷ niệm đáng nhớ được lưu lại trong từng tấm ảnh mà chúng tôi chụp cùng thầy. Nhưng có lẽ, tấm ảnh thầy cùng 4 chúng tôi selfie đúng vào ngày sinh nhật thầy là kỷ niệm không chỉ thầy mà cả chúng tôi sẽ không thể nào quên. Với tôi, bên ngoài thầy tỏ vẻ lạnh lùng bao nhiêu thì bên trong lại ấm áp bấy nhiêu.

Ra trường, tôi vào TP.HCM làm việc nên không còn được gặp thầy nữa. Những dòng tin nhắn trò chuyện cùng thầy cũng vơi dần. Nhưng ở nơi xa, tôi vẫn hy vọng thầy có đủ sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp giảng dạy của mình.