Giáo dục

Thầy Hiệu trưởng và câu chuyện chọn nghề của thế hệ trẻ

Xã hội gần như không quan tâm tới kỹ thuật. Đây là lổ hổng lớn nhất trong nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước.

Nhu cầu lớn nhưng thiếu nhân lực có tay nghề

Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, lĩnh vực giao thông vận tải đang phải đối mặt với bài toán nhân lực. Trong buổi chia sẻ với báo chí nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải luôn trăn trở làm sao để xã hội, người học hiểu được và có lựa chọn phù hợp.

Thầy Long mở đầu bằng thực tế khi có không ít sinh viên ngại vất vả, muốn làm việc nhàn nhã khi ra trường. "Đã có doanh nghiệp mời sinh viên mới ra trường lương 14 triệu/tháng, làm việc tại Tây Nguyên. Nhưng các em không đồng ý và nói muốn làm việc ở Hà Nội dù mức lương chỉ 7 – 8 triệu đồng/ tháng".

Từ đó, Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, khó khăn của ngành giao thông hiện nay tác động tới sự lựa chọn của người học. Nhưng đất nước nào cũng đều cần cơ sở hạ tầng giao thông, nó là điều kiện cơ bản cho sự phát triển.

Chắc chắn trong tương lai đây sẽ lại là "ngành hot". Nhà nước sẽ phải đầu tư trong lĩnh vực này. Trong tương lai lượng người cần đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ rất lớn”, ông Long bày tỏ.

 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng trường đại học Giao thông vận tải

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường Giao thông vận tải cho biết:

“Những năm trước đây, nguồn đầu tư cho giao thông vận tải giảm đáng kể, chỉ có một số đường cao tốc nhưng với hình thức BOT, nên gần như không có vốn đầu tư.

Dẫn tới nhu cầu nhân lực giảm, vì thế mà nhu cầu theo học cũng giảm. Nhưng đây là tạm thời. Về lâu dài, một đất nước muốn phát triển thì hạ tầng giao thông vận tải có vai trò quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của một đất nước.

Vì vậy chúng tôi tin tưởng các ngành nghề này vẫn cần được tiếp tục, mở rộng các chuyên ngành, để thu hút nhân lực có chất lượng cao”.

Theo đánh giá của lãnh đạo nhà tường, hiện nay đào tạo của chúng ta đang vận động theo cơ chế tự điều tiết về nhu cầu đăng ký vào các trường đại học. Chính vì thế dẫn đến việc có những năm thí sinh đổ xô theo học công an quân đội, rồi kinh tế… mọi người gần như không quan tâm tới kỹ thuật.

Ông Chương chia sẻ: “Đây là lổ hổng lớn nhất trong nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước. Một trong những lý do không thu hút được người lao động trong lĩnh vực này là do thu nhập”.

Từ đó, Phó Hiệu trưởng Nhà trường kiến nghị Nhà nước cần có chính sách "đặt hàng" với những chuyên ngành có tính chất chuyên sâu, ví dụ ngành đường sắt có chuyên ngành đầu máy, toa xe. Hoặc với hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống điều khiển tín hiệu, điện tử… giao thông. Từ đó, sẽ thu hút người học và bịt "lỗ hổng" trong việc đào tạo nhân lực cho đất nước.

Mục tiêu trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu

Tháng 8/1960, ban Xây dựng trường Đại học Giao thông vận tải được thành lập và tuyển sinh khóa 1 trình độ Đại học. Ngày 24/03/1962, trường chính thức mang tên trường đại học Giao thông vận tải theo Quyết định số 42/CP.

Trải qua 60 năm (1962-2022) xây dựng và phát triển, hiện nay trường Đại học Giao thông vận tải đã hoàn thành chương trình đào tạo của 28 ngành bậc đại học theo quy định của nghị định 99 theo mô hình cử nhân, kỹ sư.

Bên cạnh đó, đã hoàn thành công tác tổ chức và quản lý đào tạo theo CDIO, hướng đến đánh giá và giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và của từng học phần.

Năm 2022 nhà trường mở thêm 2 chương trình đào tạo là ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng và ngành quản lý đô thị và công trình. Mở thêm 01 chương trình Việt Anh là Quản lý xây dựng Việt Anh.

Các nhà khoa học, các chuyên gia của trường cũng tham gia giải quyết nhiều vấn đề lớn của ngành giao thông vận tải được xã hội đánh giá cao như: vệt hằn bánh xe, mặt cầu Thăng Long, cầu treo dân sinh, vật liệu xây dựng ở vùng biển và hải đảo, máy móc thiết bị xây dựng nội địa hóa, tự động hóa giao thông, tổ chức giao thông, cơ khí chế tạo, điện tử bán dẫn  …

Năm 2022, trường đã hoàn thành đánh giá ngoài và được cấp giấy chứng nhận kiểm định trường lần 2 (lần 1 năm 2016) và cũng là trường đầu tiên cấp giấy chứng nhận kiểm định trường giai đoạn 2022-2026.

Nhà trường trang bị đầy đủ các phòng thí nghiệm cho sinh viên.

Với mục tiêu xây dựng trường trở thành một trường đại học nghiên cứu, môi trường học tập, cơ sở thực tập, thực hành, hệ thống các phòng thí nghiệm luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm.

Nhà trường đã xây dựng thành công khung kiến trúc nhà trường điện tử và đưa vào vận hành từ đầu năm 2021 với cơ chế quản trị hành chính điện tử và một cửa liên thông; các dịch vụ hành chính đạt chuẩn dịch vụ hành chính công cấp độ 3, nhiều dịch vụ đạt chuẩn hành chính công cấp độ 4. 

Trong giai đoạn 2021-2025, Nhà trường xác định mục tiêu tổng quát là “Trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải, có uy tín và chất lượng ngang tầm châu Á”.

Trong những năm gần đây, sinh viên đại học Giao thông vận tải ra trường làm đúng ngành nghề đạt khoảng 90%. Với ngành xây dựng công trình giao thông, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm ở mức tương đương mặt bằng chung của trường.

Hiện nay, do yêu cầu phát triển trong thời đại 4.0, nhà trường cũng đã thay đổi chương trình, đưa công nghệ 4.0 vào các ngành nghề đào tạo.