Chiếc vòng kim cô trên đầu giáo viên

Khi giáo viên lên lớp với trái tim sắt đá, đôi tai điếc và cặp mắt mờ trước hành động, lời nói ngỗ ngược của học trò, các bậc phụ huynh sẽ thấy yên tâm hơn về sức khỏe con em mình?

Các bậc phụ huynh kính mến,

Là một cô giáo trẻ, còn non kém kinh nghiệm với vỏn vẹn 3 năm đứng lớp nhưng chừng ấy thời gian gắn bó với nghề cũng khiến tôi ngẫm ra nhiều điều, trưởng thành, chín chắn hơn. Dù những lúc đứng trước một cậu học trò xấc xược, tôi chỉ muốn khoanh tay: “Thưa em, cô thua rồi”, sau đó ung dung thu dọn sách vở, đồ dùng giảng dạy và bước ra khỏi lớp, một đi không trở lại.

Ai chưa từng đi dạy cũng bảo tôi rằng nghề giáo là một trong những nghề nhàn hạ, yên bình nhất. Quả thật, ở trong chăn mới biết chăn có rận. Trước khi bước vào nghiệp “gõ đầu trẻ”, tôi luôn tự nhủ bên cạnh trách nhiệm dạy học, mình cũng phải biết đặt mình vào vị trí của các em, kiên nhẫn hướng dẫn các em vượt qua những cám dỗ phù phiếm, hướng tới một tương lai tốt đẹp. Rồi tôi sớm vỡ mộng, vì học sinh bây giờ được trang bị “tận răng”, ngồi phòng điều hòa mát lạnh nhưng lại dựa vào những điều kiện trong mơ của thế hệ trước để lười biếng và nghịch ngợm hơn.

Dường như câu đùa “không mày đố thày dạy ai” đã trở thành trào lưu, khi các bạn đồng nghiệp khắp mọi miền của tôi suốt ngày than phiền vì học sinh ngỗ ngược. Tôi luôn tưởng tượng trên đầu mình có một chiếc vòng kim cô, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mình giận quá mất khôn, rồi trở thành nhân vật chính trong một clip quay lén của học trò.

 Hình ảnh thầy giáo và nữ sinh đánh nhau trong lớp học ở miền Tây. Ảnh cắt từ clip.

Hồi cư dân mạng rần rần chia sẻ clip thầy trò đánh nhau ngay trong lớp học, tôi có đọc được một bình luận khá ấn tượng của một bạn trẻ. Đại ý là các thầy cô hãy coi học trò của mình là khách hàng. Người ta bán cá, bán rau thì các thầy cô bán… kiến thức tổng hợp. “Khách hàng” có hành vi khiếm nhã thì các thầy cô đánh vào hạnh kiểm, tuyệt đối không đánh “khách hàng”.

Mọi người tưởng rằng khi học sinh có hành động, lời nói hỗn hào thì chúng tôi chưa từng lập biên bản nộp cho ban giám hiệu, chưa từng liên lạc với bố mẹ các em để tìm cách giải quyết ư? Đằng sau mỗi đứa trẻ ngỗ nghịch là một câu chuyện riêng, và chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi được hành vi lệch lạc của các em nếu chỉ chăm chăm hoàn thành chương trình giảng dạy và đợi ngày lĩnh lương hàng tháng. Phải chăng nếu chúng tôi lên lớp với trái tim sắt đá, đôi tai điếc và cặp mắt mờ, các bậc phụ huynh sẽ thấy yên tâm hơn về sức khỏe của con em mình?

Biết chuyện thầy giáo trường THCS Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) bị đuổi việc vì tát học sinh, tuy rất không đồng tình với cách hành xử của thầy, vẫn biết là có nhiều cách giáo dục nhẹ nhàng hơn, hợp tình hợp lý hơn nhưng trong lòng tôi vẫn dấy lên cảm giác chua xót, khó nói thành lời.

Giờ đây, tôi thấy mình thật sáng suốt khi đã đăng ký tham gia lớp Yoga và Thiền định…

Ký tên

Một cô giáo