Chính sách

Thay đổi mức phạt với hành vi bố trí người học vượt quá quy mô lớp học

Theo Nghị định 88/2022/NĐ-CP, việc bố trí sĩ số học sinh, sinh viên vượt quá quy định có thể bị phạt tới 10 triệu đồng.

Ngày 26/10, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2022/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 12/12.

Bố trí lớp học vượt quá sĩ số theo quy định bị phạt đến 10 triệu đồng

Quy định mới tại Nghị định 88/2022/NĐ-CP đã có sự thay đổi về mức phạt đối với hành vi bố trí lớp học vượt quá sĩ số quy định. Cụ thể, Điều 14 Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi bố trí số lượng người học vượt quá quy mô lớp học như sau: Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng khi vượt quá quy mô lớp học từ 30% đến dưới 50%. Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng khi vượt quá quy mô lớp học từ 50% trở lên.

Hiện hành, theo Điều 11 Nghị định 79/2015/NĐ-CP, phạt tiền đối với hành vi bố trí số lượng học viên, học sinh, sinh viên trong một lớp học vượt quá mức quy định với một trong các mức sau đây: Từ 1 đến 3 triệu đồng khi vượt quá mức quy định dưới 15%; Từ 3 đến 5 triệu đồng khi vượt quá mức quy định từ 15% đến dưới 30%; Từ 5 đến 10 triệu đồng khi vượt quá mức quy định từ 30% trở lên.

Như vậy, việc bố trí sĩ số học sinh, sinh viên vượt quá quy định có thể bị phạt tới 10 triệu đồng.

Theo quy định, cấp tiểu học có không quá 35 học sinh/lớp, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có không quá 45 học sinh/lớp (Căn cứ Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT).

Xét công nhận tốt nghiệp cho người học khi chưa đủ điều kiện bị phạt đến 30 triệu đồng

Theo đó, phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tổ chức giảng dạy theo kế hoạch đào tạo, tiến độ đào tạo, thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy, sổ giáo án; Không tổ chức giảng dạy đúng cấu trúc thời gian đào tạo lý thuyết, thời gian đào tạo thực hành của từng môn học, mô đun trong chương trình đào tạo. Đối với hành vi tổ chức cho người học bảo vệ khóa luận tốt nghiệp không đủ điều kiện theo quy định bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 2 đến 6 triệu đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài. Ngoài ra, hành vi xét công nhận tốt nghiệp cho người học khi chưa đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.

Đáng chú ý, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Sử dụng sai tên gọi bị phạt tới 10 triệu đồng

Về thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phân hiệu của trường cao đẳng, trường trung cấp; văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sai tên gọi theo quyết định thành lập, cho phép thành lập, quyết định đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quyết định thành lập, cho phép thành lập, quyết định chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phân hiệu của trường cao đẳng, trường trung cấp, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp không đúng thẩm quyền bị phạt tới 70 triệu đồng

Về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo; đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài, tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài, Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng đối với hành vi tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo, tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài nhưng không thực hiện báo cáo điều kiện bảo đảm tự chủ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, điều kiện tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài.

Phạt tiền từ 60 đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp được cấp không đúng thẩm quyền; tổ chức hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài được cấp không đúng thẩm quyền.

Phạt đến 100 triệu đồng nếu tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài khi không đủ điều kiện

Đối với hành vi tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp; 40 đến 60 triệu đồng đối với trường trung cấp; trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; trường của lực lượng vũ trang nhân dân và phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên môn đặc thù.

Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng đối với hành vi tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo, tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài khi không đủ điều kiện tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo, tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài.

Phạt 80 triệu đồng nếu tuyển sinh trong thời gian bị đình chỉ hoạt động

Bên cạnh đó, Nghị định số 88/2022/NĐ-CP cũng quy định nếu công khai không đầy đủ các nội dung về tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định về thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp bị phạt tới 20 triệu đồng.

Đồng thời, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp bị phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong thời gian bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tuệ Minh