Sự kiện

Thay đổi hay loại bỏ “văn hóa nhậu” khi người Việt đang uống rượu, bia vì hai chữ “hết mình”?

Đó là câu hỏi mà hiện nay dư luận đang đặt ra đối với “văn hóa nhậu”. Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, hãy thể hiện “văn hóa nhậu” một cách đúng nhất, đủ nhất và văn minh nhất.

Từ ngày áp dụng quy định xử phạt lái xe uống rượu bia, đã có rất nhiều “ma men” bị xử phạt nặng. Từ đây mới thấy, khi có bất kỳ công việc gì không ít người Việt đã kéo nhau ra quán nhậu. Thậm chí khi ngồi nhậu họ còn bắt ép nhau từng chén, đả kích nhau không biết uống rượu và… nếu không uống được rượu thì quá hèn.

Trước “văn hóa nhậu” ngày càng đi xuống của một bộ phận người Việt, PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, học viện Báo chí Tuyên truyền) nhận định: “Văn hóa mời rượu, chuốc rượu và khước từ rượu đã có từ rất lâu. Nếu như mời bình thường, lịch sự là một chuyện, nhưng đây, khi gặp nhau một số người thường kích động, ép buộc người khác phải uống theo ý mình, đó là thói quen xấu cần phải bỏ ngay lập tức”.

Thay đổi hay loại bỏ "văn hóa nhậu"?

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, “văn hóa nhậu” liên quan đến nét sinh hoạt truyền thống của người Việt. Trong xã hội văn minh hiện nay, cũng đã có không ít người vượt qua cách ăn uống phải mời rượu, chuốc rượu, chuốc bia lấy được. Họ đã vươn tới sự tôn trọng quyền riêng tư của từng người.

Nhưng vẫn còn có một nhóm người từ thanh niên đến người lớn tuổi thường có sự vui quá đà. Họ cố mời mọc, thách đấu, khích bác cho những người ăn uống với họ phải theo. Từ đó dẫn đến việc uống quá liều lượng và sinh ra các vụ tai nạn giao thông, ẩu đả lẫn nhau, rối loạn về tinh thần. Đã có nhiều câu chuyện như thế xảy ra và chúng ta hãy coi đó là bài học.

Trong xã hội văn minh, uống rượu là tốt, nếu tỉ lệ hài hòa, trong không gian phù hợp. Còn nếu như uống rượu quá mức, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe của bản thân, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, an toàn khi tham gia giao thông là những điều chúng ta phải hết sức cân nhắc và cần thay đổi nhận thức, tư duy. Trong luật cũng đã quy định, cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống bia, rượu. Vì thế, chúng ta cần tuân thủ quy định của pháp luật.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung.

“Phải hiểu thế nào về uống rượu có ích, uống rượu cho phù hợp với sức khỏe. Tôi nghĩ về lâu dài thì tư duy “văn hóa nhậu” sẽ thay đổi trong xã hôi, khi ấy, buộc một số thành viên cũng phải thay đổi. Không được uống nhiều bia rượu, không được ép buộc người ta uống rượu. Việc thay đổi cách giao tiếp trong bàn tiệc để cuộc sống văn minh hơn, lịch sự hơn”.

Cùng trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức cho hay: “Trước hết, chúng ta cần phải hiểu khái niệm nhậu. Nhậu có nghĩa là ngoài bữa cơm gia đình chúng ta đến những nơi công cộng như hàng quán, khách sạn để ăn uống có bia rượu. Tôi ủng hộ việc cấm uống bia, rượu nhưng chúng ta cần cân đối để có sự hài hòa. Tôi nghĩ, việc trước mắt là giúp người dân thay đổi “văn hóa nhậu”. Mỗi người hãy tự hạn chế bia rượu, đừng uống quá mức rồi lợi dụng bia rượu làm việc xấu, gây hại cho sức khỏe, đời sống xã hội và trật tự giao thông”.

PGS.TS Lê Quý Đức cho biết thêm, ông ủng hộ việc xử phạt thật nghiêm việc uống rượu khi tham gia giao thông. Đây cũng có thể là việc làm đầu tiên để ngăn chặn “văn hóa nhậu” quá mức.  

Mai Thu