Đời sống

Thấy 11 dấu hiệu này, coi chừng đường ruột có vấn đề, thậm chí ung thư

Sức khoẻ của ruột có tầm quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Nếu có các dấu hiệu dưới đây bạn nên đi khám hệ tiêu hóa càng sớm càng tốt.

“Xì hơi” với tần suất bất thường

“Xì hơi” quá nhiều là dấu hiệu cảnh báo đường ruột của bạn đang có vấn đề. Ảnh minh họa.

Khí tích bên trong đường tiêu hóa quá nhiều có thể gây đầy hơi. Lượng khí này sẽ thoát ra ngoài bằng ợ và đánh rắm (còn gọi là “xì hơi”).

“Xì hơi” là hành vi bình thường, chúng ta có thể xì hơi từ 10-15 lần mỗi ngày. Thế nhưng, nếu “xì hơi” tới hàng chục lần, nhất là vào buổi sáng thì có thể đường ruột của bạn có vấn đề.

Hành vi này vào buổi sáng có thể do bạn bị táo bón, khó tiêu, ngoài ra còn có thể bị viêm ruột xuất huyết, viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kết kích thích. Đặc biệt, ung thư ruột giai đoạn cuối có thể gây xì hơi nhiều. Những người thường xuyên xì hơi vào buổi sáng nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe đường ruột, đồng thời nhớ đừng nhịn xì hơi, nếu không sẽ gây hại cho đường ruột.

Rụng tóc

Tóc rụng quá nhiều khiến bạn xuất hiện những mảng hói là điều đáng báo động. Rụng tóc thường liên quan đến căng thẳng hoặc thiếu chất nhưng các chuyên gia y tế còn lưu ý, dấu hiệu này có thể cảnh báo sức khoẻ đường ruột có vấn đề bởi đường ruột chịu trách nhiệm chính trong việc sản xuất vitamin B7, hoặc biotin giúp ngăn ngừa rụng tóc và các bệnh về da.

Thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy

Táo bón là do đường ruột thiếu nước, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tuổi tác và thói quen ăn uống. Tiêu chảy mãn tính có thể do bệnh đường ruột, viêm nhiễm, khó tiêu... Thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy cho thấy chức năng đường ruột không tốt và cần được chú ý để đi khám ngay.

Bụng chướng

Đầy hơi, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy và ợ chua đều có thể được xem như dấu hiệu của một đường ruột kém. Vi sinh đường ruột cân bằng sẽ giúp chúng ta ít gặp khó khăn hơn khi tiêu thụ thức ăn và loại bỏ chất thải.

Sự bất thường của phân

Ở người bình thường, phân có dạng hình ống, mềm mại, không thô cứng, bề mặt mịn, không nặng mùi. Phân có thể sần sùi hoặc có vết nứt khi chế độ ăn thiếu nước và chất xơ. Phân thường có màu nâu vàng nhạt, hoặc thay đổi từ nâu nhạt đến nâu sẫm. Nguyên nhân là do nó chứa một sắc tố gọi là bilirubin, hình thành khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ.

Nếu thấy phân ra loãng, phân có màu sắc bất thường hoặc kèm máu,... bạn nên đến bệnh viện kiểm tra, điều trị kịp thời và để bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp. Ảnh minh họa.

Nếu phân có màu sắc, mùi khác thường hoặc lúc rắn, lúc lỏng bạn nên chú ý bởi đó là dấu hiệu cảnh báo các bệnh về đường ruột.

Ví dụ, phân ra loãng (có thể do khối u chèn ép hoặc các bệnh khác), phân không đều (tiêu chảy loãng, táo bón vón cục...), màu sắc bất thường (phân đen, phân có máu... có thể do đường tiêu hóa), chảy máu hoặc ung thư ruột, ung thư dạ dày)... Khi xuất hiện các triệu chứng này, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra, điều trị kịp thời và để bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp.

Cân nặng thay đổi liên tục

Đường ruột không hoạt động tốt sẽ khiến cơ thể không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và không có khả năng điều chỉnh lượng đường, chất béo trong máu. Sức khỏe đường ruột kém sẽ khiến bạn tăng - giảm cân liên tục.

Hôi miệng

Khi nấm men, nhiễm trùng hoặc vi khuẩn xấu xuất hiện nhiều trong hệ tiêu hóa, bạn có thể bị hơi thở hôi kèm theo vị chua trong miệng. Hơi thở hôi là một dấu hiệu dễ nhận biết cho thấy hệ tiêu hóa có vấn đề.

Cơ thể không dung nạp một số thực phẩm

Hệ tiêu hóa chịu trách nhiệm phân hủy thức ăn và loại bỏ độc tố từ những thứ chúng ta nạp vào. Khi đường ruột bị bệnh, cơ thể không thể loại bỏ được độc tố thực phẩm một cách thích hợp, khiến đồ ăn từ đó cũng không thể dung nạp. Các triệu chứng không dung nạp thực phẩm bao gồm buồn nôn, đau dạ dày, đầy hơi, chuột rút và tiêu chảy.

Thèm ăn liên tục

Tương tự như chứng không dung nạp thức ăn, đường ruột của chúng ta không thể xử lý thức ăn và có thể dẫn đến mất cân bằng. Sự mất cân bằng này có thể gây ra cảm giác thèm ăn thực phẩm không lành mạnh như đồ ăn chứa nhiều đường và chất béo.

Rối loạn giấc ngủ

Tổn thương đường ruột có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ. Ảnh minh họa.

Phần lớn các hormon bao gồm serotonin, có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ, được sản xuất trong ruột. Vì vậy, tổn thương đường ruột có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tình trạng rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ không ngon kéo dài sẽ dẫn đến mệt mỏi mãn tính.

Các bệnh về da

Các enzym trong dạ dày và axit không chỉ phân hủy thức ăn mà còn làm sạch và khử trùng chúng để ngăn ngừa nhiễm trùng. Khi đường ruột của bạn không hoạt động như bình thường, nó không thể chuyển hóa thực phẩm bạn ăn một cách chính xác, điều này có thể dẫn đến các bệnh về da như chàm và các kích ứng da khác.

Minh Hoa (t/h)