Sự kiện

Thấp thỏm lo rừng phòng hộ bị “bào mòn”, sóng biển "nuốt" vuông tôm, nhà dân

Trong nhiều năm qua, khu vực rừng phòng hộ rất xung yếu, đoạn từ cửa sông Sào Lưới đến cửa sông Gò Công (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) luôn bị sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng nhiều bờ bao vuông tôm, nhà của người dân, vốn trước đây ở cách xa biển hàng trăm mét.

Clip: Ba đoạn sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 600m.

Xã Nguyễn Việt Khái là xã vùng sâu vùng xa của huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Xã có 3 mặt giáp biển, hệ thống sông ngòi chằng chịt, có bờ biển dài 17km và nằm ngay trên cửa sông Bảy Háp.

Dân cư nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản. Đặc biệt, xã có hai cửa sông lớn là cửa sông Sào Lưới và cửa sông Gò Công. Triều cường dâng cao, dòng chảy từ biển vào các nhánh sông rất mạnh làm cho tình hình sạt lở nơi đây diễn ra nhanh với tốc độ “chóng mặt”.

Do trên vùng này không có đê biển, chỉ có đai rừng phòng hộ và bờ bao của những tuyến kênh phía trong nên sóng biển đã tàn phá nhiều diện tích rừng, đất của địa phương này. Trong đó, đoạn từ cửa sông Sào Lưới đến cửa sông Gò Công thuộc khu vực rừng phòng hộ rất xung yếu trên có 3 đoạn bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 600m.

Đứng trước nguy cơ mất đất, nhiều người dân đã dùng cây gỗ địa phương kè tạm bợ rồi thuê xáng cuốc đất lên đắp nhưng sóng biển rất lớn cộng với thủy triều tạo dòng chảy mạnh và xoáy, từ đó việc kè tạm mang lại hiệu quả không cao.

Một trong ba đoạn bị sạt lở trên địa bàn xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

Chỉ tay vào những điểm sạt lở do sóng biển ăn sâu vào đất liền, bà Phạm Bạch Tuyết, 51 tuổi, ngụ ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái cho biết, gia đình bà được 2,5ha đất nuôi thủy sản.

Trước đây, nguồn thu từ vuông nuôi tôm của gia đình cũng được gần 2 triệu/tháng. Thế nhưng, trong những năm gần đây, khi gia đình thả giống vụ nuôi mới thì luôn trong tâm trạng lo lắng, bất an do nhiều đoạn ở bờ vuông bị sóng đánh ăn sâu gần hết bờ. Dù gia đình đã thuê xáng xúc đất vào để gia cố bờ kè và trồng cây mắm để bảo vệ, nhưng không thành.

Cùng chung hoàn cảnh với gia đình bà Tuyết, hộ ông Nguyễn Văn Cường, 45 tuổi, ngụ ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái cho biết: “Tôi làm bờ kè bảo vệ bờ vuông cách đây khoảng 15 ngày nhưng đã bị sóng cuốn trôi. Sau khi bị sóng đánh hư, tôi tiếp tục thuê máy cuốc để tiếp tục làm bờ kè mới với chi phí trên 5 triệu đồng. nhưng chỉ được 4 ngày thì lại bị sóng đánh hỏng. Do mặt tiền vuông tôm trực tiếp ra biển nên khi bờ vuông bể thì bị mất trắng”.

Sóng biển "nuốt" nhiều diện tích đất của người dân. 

Liên quan đến vụ việc trên, ông Lữ Hoàng Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn xã có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 600m làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của 16 hộ dân của hai ấp Gò Công và Sào Lưới.

“Hiện, địa phương tích cực tuyên truyền vận động bà con nhân dân tận dụng cây gỗ địa phương để làm kè giữ đất nhưng không đạt hiệu quả. Trong thời gian tới, xã có những kiến nghị gửi đến cơ quan cấp trên sớm đầu tư bờ kè chống sạt lở để bà con yên tâm sản xuất...”, ông Hiền nói.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển đã bị mất khoảng 8.870ha, nguy cơ làm vỡ đê biển Tây, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển. Cụ thể, đối với bờ biển Tây, bờ biển bị xói lở có chiều dài khoảng 57.000m, nhiều đoạn xói lở sâu, gây ra nguy cơ phá đê biển. Đặc biệt, có 3 vị trí xói lở rất nguy hiểm với chiều dài khoảng 7.800m. Đối với bờ biển Đông, bờ biển xói lở có chiều dài khoảng 48.000m, trong đó sạt lở rất nguy hiểm với tổng chiều dài 24.500m; có nhiều đoạn xói lở sâu, làm mất đất rừng phòng hộ từ 80-100m, với tổng chiều 18.300m.