Dân sinh

Tháo dỡ trạm thu phí Cầu Rác trên QL1A

Sau thời gian ngừng khai thác, trạm thu phí Cầu Rác đã được ngành chức năng tháo dỡ.

Theo ghi nhận vào chiều nay (18/11), trạm thu phí Cầu Rác tại Km 539+040 QL1A đoạn qua xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục được tháo dỡ, đảm bảo các phương tiện qua lại an toàn.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Công ty CP 456 tại Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An đã huy động nhân lực, máy móc tiến hành tháo dỡ trạm thu phí cầu Rác. Các biển báo cũng được đơn vị thi công lắp đặt để cảnh báo cho người và phương tiện lưu thông qua đây.

Đơn vị thi công tiến hành tháo dỡ phần mái tại trạm thu phí Cầu Rác.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty CP 456 cho biết, dự án tháo dỡ trạm thu phí cầu Rác do Cục Quản lý đường bộ II (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) làm chủ đầu tư, với kinh phí hơn 400 triệu đồng.

Trước đó, Cục Quản lý đường bộ II đã từng đề xuất phương án tháo dỡ, hoàn trả mặt đường Trạm thu phí Cầu Rác với tổng kinh phí 3,3 tỷ đồng gây nhiều ý kiến tranh cãi trong dư luận vì cho rằng mức kinh phí này không hợp lý. Sau đó, mức kinh phí này đã được phê duyệt hạ xuống còn 400 triệu đồng.

Hình ảnh thi công tháo dỡ...

Lý giải điều này, ông Nguyễn Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ II từng trả lời với báo giới lý do là khi đề xuất có 2 phương án gồm: Phương án 1 là tháo dỡ, hoàn trả đồng bộ mặt đường quốc lộ tại trạm phu phí Cầu Rác bằng thảm nhựa thay thế mặt đường bằng bê tông với kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng nhưng phương án đó không tiết kiệm được kinh phí nên không được duyệt.

Còn phương án 2 là tháo dỡ và hoàn trả lại mặt đường bằng bê tông với diện tích ít hơn, tiết kiệm ngân sách nên đã được phê duyệt với kinh phí dưới 500 triệu đồng.

Phần bê tông ở 2 luồng giữa của trạm thu phí được phá bỏ.

Trạm thu phí Cầu Rác dùng để thu phí Dự án BOT QL1A đoạn tránh Tp.Hà Tĩnh có chiều dài khoảng 16km, hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 1/2009.

Dự án do Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (Tổng Công ty Sông Đà) làm chủ đầu tư, vận hành, khai thác. Trạm thu phí này từng bị người dân huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh tập trung phản đối vì cho rằng họ không đi mét đường tránh nào cũng bị thu phí.

Việc thi công được đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông qua đây.

Đầu năm 2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chủ đầu tư trạm thu phí Cầu Rác tạm dừng hoạt động để có cơ sở tính toán và chốt phương án tài chính của dự án.

Cuối tháng 12/2020, trạm thu phí Cầu Rác được bàn giao lại cho Chi cục Quản lý Đường bộ 2.3 quản lý. Sau hơn 2 năm dừng hoạt động nhưng chưa được tháo dỡ, trạm thu phí này đã gây cản trở giao thông và đã xảy ra một số vụ tai nạn do phương tiện lưu thông qua đây tông vào.

Dự kiến, việc tháo dỡ trạm thu phí Cầu Rác sẽ hoàn thành trong vòng 5 - 6 ngày tới.