Sự kiện

Tháo dỡ cầu sắt Phú Long, "gánh nặng" giao thông lên Bình Dương?

Cầu sắt Phú Long nối liền thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương và quận 12, TP.HCM sắp bị tháo gỡ. Đại diện chính quyền cho biết, đây là cơ hội để phát triển kinh tế, giao thương bằng đường thuỷ. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, sau khi tháo gỡ xong, các tuyến quốc lộ qua tỉnh Bình Dương sẽ luôn trong tình trạng quá tải.

Video cận cảnh cầu sắt Phú Long sắp bị tháo dỡ

Dân lo lắng kẹt xe, kéo dài quãng đường đi

Ngày 1/1/2019, thông tin từ sở Giao thông Vận tải TP.HCM (sở GTVT TP.HCM) cho biết, sở này đã duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án tháo dỡ cầu Phú Long cũ – cây cầu bắc qua sông Sài Gòn, kết nối thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương và quận 12, TP.HCM. Cây cầu này sẽ chính thức bị tháo dỡ dự kiến vào đầu tháng 1/2019.

Theo đó, toàn bộ cây cầu dạng dàn thép và dàn vòm thép của cây cầu có chiều dài 251,7m, kết cấu nhịp và các trụ cầu sẽ bị tháo dỡ hoàn toàn với tổng kinh phí là 14,8 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách của TP.HCM.

Cây cầu nối liền TP.HCM và tỉnh Bình Dương.

Theo đại diện sở GTVT TP.HCM, việc tháo dỡ cây cầu hơn 100 tuổi này là đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, vì cây cầu này đã quá cũ. Đồng thời, đảm bảo đồng bộ tĩnh không thông thuyền trên tuyến giao thông thuỷ sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, việc tháo dỡ cầu sắt Phú Long cũng khiến cho nhiều người lo ngại về việc di chuyển xung quanh các tuyến đường và giao thông sẽ hỗn loạn, khó đi hơn trước.

“Tôi làm việc ở quận 12, nhưng gia đình lại sống ở Lái Thiêu, thị xã Thuận An, để rút ngắn thời gian đi làm, thường ngày tôi vẫn di chuyển qua cây cầu sắt Phú Long. Thế nhưng, hơn 2 tháng trước, có thông tin dỡ cầu, nên tôi cũng tìm hiểu con đường ngắn nhất là đi qua cầu Phú Long mới. Tuy nhiên, thời gian và tuyến đường đi tăng hơn lúc trước, về giờ chiều giao thông cũng đông đúc và hỗn loạn hơn”, anh Pham Thanh Tân, một người dân chia sẻ.

Cây cầu sắt Phú Long mỗi ngày có hằng ngàn phương tiện lưu thông sắp bị tháo dỡ.

Trong khi đó, anh Bùi Văn Long (ngụ phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An) cho hay: “Mặc dù chính quyền quyết định tháo dỡ cầu sắt Phú Long để đảm bảo giao thông, nhưng việc phân luồng khó khăn hơn, khi tôi phải di chuyển từ khu vực Lái Thiêu ra thẳng quốc lộ 13 rồi mới chạy qua cầu Phú Long mới để đến quận 12. Mỗi lần như thế thời gian sẽ tăng hơn trước, nhiều khi tôi về đúng lúc tan tầm thì giao thông ngay khu vực trạm thu phí Phú Long trên quốc lộ 13 hỗn loạn, mỗi người chạy mỗi hướng rất nguy hiểm”.

Cũng theo anh Long, bên cạnh cầu sắt Phú Long, có 1 tuyến đường đê cũ có thể di chuyển ngay đến chân cầu Phú Long mới. Nếu chính quyền sử dụng tuyến đường ngày thì sẽ rút ngắn thời gian và quãng đường cho người dân đi qua quận 12 và ngược lại dễ dàng, không phải chạy ra đến khu vực trạm thu phí bớt gây ùn tắc giao thông.

“Gánh nặng” giao thông

Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin về việc cây cầu sắt Phú Long (cũ) sắp bị tháo gỡ và nhiều lo ngại về việc phân luồng giao thông trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh Tâm, chủ tịch UBND thị xã Thuận An cho biết, đơn vị này đã nhận được công văn của sở GTVT tỉnh Bình Dương về phương án phối hợp tổ chức giao thông để người dân thuận tiện đi lại trong quá trình tháo dỡ cầu Phú Long cũ.

Theo ông Tâm, cầu sắt Phú Long cũ được xây dựng cách đây hơn 100 năm và là cây cầu giúp người dân 2 bên TP.HCM và Bình Dương, đặc biệt là người dân sinh sống trên địa bàn thị xã Thuận An có thể đi lại dễ dàng và rút ngắn thời gian di chuyển. Tuy nhiên, theo chủ trương của UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương, cây cầu trên được tháo dỡ vì quá nhiều tuổi, cộng thêm việc tháo cầu để duy trì phát triển kinh tế, giao thương đường thuỷ.

Sau khi tháo cầu sắt Phú Long, người dân phải di chuyển vòng ra khu vực giao thông phức tạp hơn.

Về việc nhiều người dân cho rằng tháo cầu sắt Phú Long họ phải đi tuyến đường xa hơn, thậm chí giao thông hỗn loạn và kẹt xe hơn trước, ông Tâm cho biết: “Việc tháo cầu sắt Phú Long là chủ trương của TP.HCM và tỉnh Bình Dương, phía UBND thị xã Thuận An sẽ phối hợp để thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, khi tháo cầu xong, thời gian tới giao thông qua lại khu vực địa bàn thị xã Thuận An nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung sẽ thêm gánh nặng".

“Nếu còn cầu sắt Phú Long thì người đi phương tiện 2 bánh họ sẽ tắt qua khu vực trung tâm Lái Thiêu, thị xã Thuận An để di chuyển về TP.HCM dễ dàng hơn. Nhưng khi tháo cầu thì mọi người phải lưu thông ra khu vực quốc lộ 13, giao lộ với khu vực trạm thu phí cầu Phú Long, đây là 1 trong những điểm giao thông thường xuyên ùn tắc và hỗn loạn, tỉnh Bình Dương đã tính toán phân luồng rất kỹ nhưng tình trạng kẹt xe vẫn thường xuyên diễn ra”, ông Tâm nói.

Khu vực trạm thu phí trên quốc lộ 13 giao nhau cầu Phú Long mới luôn xảy ra tình trạng kẹt xe, các phương tiện chạy không đúng làn đường và thường xuyên xảy ra hỗn loạn.

“Khu vực cầu Phú Long mới và trạm thu phí đặt trên quốc lộ 13 là cửa ngõ của tỉnh Bình Dương. Mỗi ngày hàng nghìn lượt giao thông qua lại khu vực nên khó tránh khỏi tình trạng kẹt xe. Nhất là sau thời gian tới lượng xe máy tiếp tục đổ về đây sẽ khiến cơ quan chức năng vất vả phân luồng. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều về giải pháp giao thông trên địa bàn. Theo đó, thay vì người dân phải chạy ra quốc lộ 13 để di chuyển qua cầu Phú Long mới thì tôi đề xuất UBND tỉnh Bình Dương cho cải tạo, phát triển tuyến đường ven sông Sài Gòn nối từ cầu Phú Long cũ về Phú Long mới”, vị Chủ tịch UBND thị xã cho biết.

Ông Tâm nhấn mạnh: “Chắc chắn quốc lộ 13 và nhiều tuyến đường khác trên địa bàn thị xã Thuận An sẽ chịu gánh nặng giao thông sau khi tháo cầu sắt. Chính vì vậy, tôi đề xuất cải tạo tuyến đường đê có sẵn, đoạn đường này sẽ giúp người dân chạy từ cầu Phú Long cũ đến cầu Phú Long mới, sau đó đi từ đường chân cầu lên cầu rồi di chuyển qua quận 12. Việc này sẽ giảm bớt lưu lượng đi vào tuyến quốc lộ 13, giảm tải cho nhiều tuyến đường khác. Đồng thời, chúng tôi sẽ tổ chức phân luồng để các phương tiện có thể di chuyển dễ dàng vào trung tâm thị xã Thuận An và các thị xã khác của tỉnh Bình Dương”.

Tuyến đường dọc sông Sài Gòn được Chủ tịch UBND thị xã Thuận An đề xuất cho xe lưu thông để tránh phải ra khu vực quốc lộ 13 và giảm tình trạng kẹt xe (vòng tròn đỏ).

Trả lời về việc giao thông quanh khu vực quốc lộ 13 và đoạn qua cầu Phú Long mới lâu nay hỗn loạn, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, bây giờ tháo dỡ tiếp cầu Phú Long (cũ) sẽ khiến giao thông thêm phức tạp, ông Trần Bá Luận, Giám đốc sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết: “Việc thường xuyên xảy ra ùn tắc tại khu vực giao lộ giữa cầu Phú Long mới và trạm thu phí quốc lộ 13 đã xảy ra từ lâu và UBND tỉnh Bình Dương thường xuyên tổ chức phân luồng để không xảy ra ùn tắc kéo dài”.

“Việc tháo dỡ cầu Phú Long cũ đã được tính toán từ lâu. Mọi phương án phân luồng giao thông đều là những giải pháp khả thi nhất hiện giờ. Chúng tôi cũng đang làm đề xuất sẽ di chuyển trạm thu phí cầu Phú Long chiều từ Bình Dương đi TP.HCM về gần khu vực cổng chào Bình Dương (giáp ranh quận Thủ Đức, TP.HCM và tỉnh Bình Dương). Như vậy, các xe ô tô sẽ dừng ở xa hơn, giảm thiểu kẹt xe. Bên cạnh đó, sở sẽ phối hợp với cơ quan ban ngành tổ chức phân luồng lại, hướng dẫn người dân để di chuyển”, ông Luận khẳng định.

Theo ghi nhận, khu vực giao thông nối cầu Phú Long mới là cửa ngõ vào tỉnh Bình Dương thường xuyên kẹt xe vì phân luồng chưa được hợp lý, các phương tiện chạy hỗn loạn, ngược chiều nên thường xuyên bị ùn tắc.

Theo ghi nhận của PV, cầu sắt Phú Long (cũ) là một trong tuyến đường được người dân sử dụng nhiều nhất trong thời gian qua. Còn khu vực giao lộ giữa quốc lộ 13 và cầu Phú Long mới chủ yếu là các phương tiện ô tô, xe tải, container di chuyển.

Khu vực cầu Phú Long mới và quốc lộ 13 là tuyến “huyết mạch”, kết nối nhiều tuyến đường, khu dân cư, công ty… Tại đây thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, người dân lưu thông ngược chiều, chạy loạn xạ khiến khu vực trên vào giờ tan tầm luôn kẹt xe. Nhiều người rất bức xúc với tình trạng trên nhiều năm nhưng chưa thể giải quyết triệt để.