Kinh tế

Thành tựu phát triển kinh tế nổi bật của tỉnh Thanh Hóa năm 2022

Tỉnh Thanh Hóa được Trung ương giao thu ngân sách hơn 28.000 tỷ đồng, nhưng hết quý 3/2022, địa phương này đã thu hơn 39.000 tỷ đồng.

Năm 2021, Thanh Hóa thu ngân sách đạt xấp xỉ 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi xây dựng kế hoạch cho năm 2022, trên cơ sở đề nghị của địa phương, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn cho địa phương này là 28.100 tỷ đồng. Nguyên nhân là cuối năm 2021, đại dịch Covid-19 đang hoành hành, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - đơn vị nộp ngân sách lớn nhiều thời điểm phải hoạt động cầm chừng vì những khó khăn nội tại.

Phiên họp thường kỳ tháng 11/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Hết quý 3/2022, Thanh Hóa đã thu ngân sách hơn 39.000 tỷ, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch năm. Tuy nhiên, bước sang Quý 4, tốc độ thu ngân sách của Thanh Hóa bất ngờ chững lại. Nguồn thu từ bất động sản sụt giảm đáng kể. Thế nhưng, việc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chạy hơn 100% công suất đã bù đắp lớn vào tổng thu xuất nhập khẩu.

Điểm du lịch cộng đồng Bản Mạ, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa

Trong phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Thanh Hóa tháng 11, ông Nguyễn Trọng Trang, Chánh văn phòng UBND tỉnh thông tin, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt dự toán và tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt cao nhất từ trước đến nay. Thành lập mới doanh nghiệp vượt 16,7% kế hoạch. 

Bà Vương Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, 10 tháng đầu năm 2022, khách du lịch đến Thanh Hoá đạt 10.557.700 lượt khách, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 105,6% kế hoạch năm 2022; Tổng thu du lịch đạt: 19.340 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ 2021, đạt 107,9% kế hoạch 2022.

Dự kiến năm 2022, Thanh Hoá ước đón 11.011.000 lượt khách, tăng gấp 3,22 lần so với năm 2021, đạt 110,1% kế hoạch; tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, đạt 111,8% kế hoạch.  Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Thanh Hóa đã vươn lên xếp thứ 3 cả nước về hút khách du lịch trong năm 2022, chỉ xếp sau Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ông Lê Văn Tú, Chủ tịch Tp.Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho biết, tính đến 22/11/2022 Tp.Sầm Sơn đã đón hơn 7 triệu lượt du khách, tạo ra tổng doanh thu hơn 14.000 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2022, Sầm Sơn sẽ đón được 7.019.880 lượt khách, gấp 4,5 lần so với năm 2021, bằng 200,6% kế hoạch; phục vụ 14.201.420 ngày khách, gấp 4,04% năm 2021, bằng 172,1% kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 14.134,2 tỷ đồng. Đây được xem là một kỳ tích của ngành du lịch Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 138.919 tỷ đồng, bằng 95,8% kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Trong năm, thu hút được 59 dự án đầu tư trực tiếp (có 6 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 50,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án, với số vốn tăng thêm 32,7 triệu USD. Đến ngày 21/11/2022, giá trị giải ngân các dự án đầu tư công của tỉnh năm 2022 đạt 7.547 tỷ đồng, bằng 64,9% kế hoạch.

Đến ngày 15/11/2022, toàn tỉnh thành lập mới 3.157 doanh nghiệp, vượt 5,2% kế hoạch cả năm, tăng 13% so với cùng kỳ, đứng thứ 6 cả nước; có 12/17 lĩnh vực ngành, nghề có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ, gồm: lĩnh vực thông tin và truyền thông tăng 300%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 104,4%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 128,6%.

Năm 2022, toàn tỉnh dự kiến có 3.500 doanh nghiệp thành lập mới, vượt 16,7% kế hoạch. Trong năm 2022, có 1.120 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 20% so với cùng kỳ; có 300 doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động, giảm 10%.

Công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được quan tâm; đã có 68 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã được thành lập, tăng 46 hợp tác xã và tăng 1 liên hiệp hợp tác xã so với kế hoạch.

Xuân Chinh