Tiêu điểm

“Thanh tra không ra sai phạm nhưng UBKTTW vào thì phải xử lý hình sự”

Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, đại biểu đặt câu hỏi về việc có hay không việc tiêu cực trong quá trình thanh tra thời gian qua.

Sáng 5/11, Quốc hội tiến hành nhóm chất vấn thứ 4 – lĩnh vực thanh tra. Phát biểu trước khi bước vào phiên đăng đàn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Thông qua công tác thanh tra, ông Phong cho biết ngành đã phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách còn sơ hở, bất cập dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Ngành thanh tra cũng kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm, sai phạm. Đặc biệt, dưới chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý nhiều vụ có dấu hiệu vi phạm pháp chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, trong đó có nhiều vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tham gia trả lời chất vấn (Ảnh: Quochoi.vn).

Nhấn mạnh hoạt động chất vấn là một trong những nội dung giám sát của Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng thông qua hoạt động này sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của ngành thanh tra.

Thừa nhận vẫn còn những tồn tại, thiếu sót trong ngành thanh tra, ông Đoàn Hồng Phong cho biết sẵn sàng lắng nghe chất vấn của các đại biểu Quốc hội và cam kết sẽ nỗ lực thực hiện tốt mọi chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Thừa nhận xử lý sai phạm chậm

Là đại biểu đầu tiên đăng ký chất vấn, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi: Trong thời gian vừa qua, có một số vụ việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra thì kết luận không có khuyết điểm, sai phạm hoặc có chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra thì lại chỉ ra những sai phạm và phải chuyển qua xử lý hình sự.

“Vấn đề trên phải chăng là do pháp luật chưa đồng bộ, cách thực hiện pháp luật chưa đúng hay là có hay chăng việc tiêu cực trong quá trình thanh tra. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết và có những giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?”, ông Sỹ hỏi.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói "có lẽ đại biểu đang đề cập đến vụ việc Bình Thuận".  

Theo ông Phong, sự việc này xảy ra vào năm 2019, một nguyên cán bộ tỉnh Bình Thuận tố cáo lãnh đạo tỉnh làm sai trong vụ việc chuyển mục đích sử dụng sân golf sang khu đô thị. Thanh tra Chính phủ căn cứ vào kết quả kiểm toán, có sự kế thừa nhưng cũng có một số thay đổi. Kết quả có một số sai sót trong xác định giá đất.

Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận tính toán lại, nhưng sau 1-2 năm, UBND tỉnh không thực hiện, người tố cáo tiếp tục tố cáo. Sau đấy có sai phạm thì đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. Ông Phong thừa nhận trách nhiệm thanh tra giải quyết vấn đề còn chậm và đã có một số cán bộ phải kỷ luật.

Hoạt động thanh tra gặp khó khi cán bộ ít

Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho rằng, hoạt động của thanh tra thời gian qua đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó còn có một số khó khăn, bất cập mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hiệu quả, kết quả của thanh tra, đó chính là công tác cán bộ.

Theo đại biểu Trần Quang Minh, Thanh tra Chính phủ hiện có 408 công chức nhưng chỉ có 200 cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Vậy theo Tổng Thanh tra tại sao lại có tình trạng này? Giải pháp trong thời gian tới để tháo gỡ là gì?

Đại biểu Trần Quang Minh (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, hoạt động thanh tra còn gặp khó khăn khi cán bộ ít. Thời gian qua, ngành đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng thống tham nhũng, tiêu cực, trong 10 năm từ 2012-2022, Thanh tra đã triển khai đồng bộ, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, kiến nghị thu hồi số tiền hơn 461.000 tỷ đồng; 750.000 ha đất; kiến nghị xử lý hơn 44.000 tập thể cá nhân; chuyển cơ quan điều tra hơn 1.100 vụ và hơn 1.100 người.

Ngoài thanh tra theo kế hoạch, thanh tra được giao nhiều việc thanh tra đột xuất, như năm 2022 sẽ thanh tra mua sắm thiết bị và phòng chống Covid-19, thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thanh tra quy hoạch và thực hiện Quy hoạch điện VII, thanh tra kinh doanh xăng dầu...

"Thanh tra chỉ có 408 cán bộ công chức thì rất khó khăn trong hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ", ông Phong nói.