Bất động sản

Đề xuất thanh tra có trọng tâm tại các doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Trong 2 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

Chiều ngày 14/7, Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Huy động được gần 90 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp

Phát biểu tham luận về tình hình trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và những tác động của thị trường tài chính với thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: Thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế, có vai trò thu hút các nguồn lực và thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển như xây dựng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, tài chính... trên thực tế có nhiều công cụ tài chính tác động đến thị trường bất động sản như thuế, phí, lệ phí, thị trường chứng khoán, phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, sắp xếp lại đất đai…

Về thực trạng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, trong 2 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

Hiện đã có trên 280 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn, riêng năm 2021, có 174 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu, chiếm 33,6% tổng khối lượng phát hành trái phiếu toàn thị trường.

Quy mô huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng tăng, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm bất động sản từ năm 2019 đến nay khoảng 500 nghìn tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản cũng đã huy động được gần 90 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp lớn, tình hình hoạt động tốt cũng đã mở rộng phát hành ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng phát hành đạt 1.305 triệu USD trong giai đoạn 2019-2021.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trình bày báo cáo.

Qua công tác quản lý, giám sát của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng bên cạnh những doanh nghiệp niêm yết đầu ngành có tỷ lệ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu dưới 5%, còn một số doanh nghiệp là công ty chưa đại chúng, quy mô nhỏ nhưng có có hệ số nợ vay cao.

Một số doanh nghiệp huy động vốn với lãi suất cao trong khi kỳ hạn trái phiếu phát hành chỉ khoảng 2-4 năm đặt ra vấn đề về khả năng cân đối vốn trong thời gian tới nếu tình hình thị trường gặp khó khăn.

“Công bố thông tin liên quan đến các dự án bất động sản còn thiếu, nhất là về pháp lý, do đó các nhà đầu tư rất khó đánh giá về chất lượng của các dự án đầu tư mà doanh nghiệp nêu tại bản công bố thông tin bao gồm cả các dự án đã, đang triển khai và dự án dự kiến sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu.

Các ngân hàng thương mại là nhóm nhà đầu tư lớn nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân cũng nắm giữ khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản do các đặc điểm về lãi suất cao, kỳ trả lãi linh hoạt. Trong bối cảnh thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững sẽ có các rủi ro nhất định kể cả đối với trái phiếu có tài sản đảm bảo.

Mặc dù, hiện nay dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản mới tương đương khoảng 18,6% so với dư nợ tín dụng bất động sản của các ngân hàng thương mại nhưng rủi ro có sự liên thông tác động qua lại giữa các thị trường cần phải được theo dõi chặt chẽ”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Phải hoàn thiện khung khổ pháp lý

Để vừa phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vừa khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trái phiếu một cách minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề xuất tập trung vào các nhóm giải pháp.

Thứ nhất, đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.

Thứ hai, đối với việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Trước mắt, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ và sẽ tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý tại Nghị định số 153 nhằm quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả, vừa đảm bảo hạn chế và kiểm soát được các rủi ro, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư.

Thứ ba, đối với hoạt động kiểm tra giám sát: Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sau kiểm tra sẽ có công bố công khai rộng rãi ra thị trường về các sai phạm để tăng tính răn đe.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục thường xuyên cung cấp thông tin, cảnh báo, khuyến nghị thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về các rủi ro đối với nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu donah nghiệp riêng lẻ.

"Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững" được Chính phủ tổ chức nhằm đánh giá thực trạng và nêu rõ những hạn chế, bất cập của thị trường BĐS; tổng hợp kinh nghiệm trong nước, quốc tế từ đó đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực BĐS và các lĩnh vực liên quan.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các Bộ ngành triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp, định hướng thị trường hoạt động lành mạnh.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có 05 công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả" trong tháng 4/2022, sau hội nghị, Chính phủ đã có Nghị quyết số 86/NQ-CP về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Về phía Bộ Tài chính, khi thị trường có dấu hiệu phát triển nóng đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Thường xuyên đánh giá việc triển khai các quy định về phát hành TPDN để báo cáo Chính phủ điều chỉnh khung pháp lý cho phù hợp tại cấp Luật và Nghị định.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã có văn bản chấn chỉnh, ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm và chuyển cơ quan điều tra đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng có tính chất hình sự.

Qua kiểm tra giám sát, Bộ Tài chính cũng đã có công văn cung cấp thông tin và đề nghị Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước phối hợp với tăng cường giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp bất động sản.

Bộ Tài chính cũng thường xuyên, chủ động cung cấp thông tin chính thống về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành thông qua việc ban hành 07 thông cáo báo chí, tham gia trả lời phỏng vấn và tọa đàm trên các chương trình truyền hình và các phương tiện truyền thông... định hướng điều hành và phát triển thị trường TPDN bất động sản an toàn, lành mạnh và hiệu quả

Việc xử lý vi phạm trên thị trường vốn, thị trường trái phiếu thời gian qua đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hướng đến phát triển thị trường minh bạch và bền vững.