Tài chính - Ngân hàng

Thanh toán không tiền mặt cũng là một phương án chống tham nhũng

TS. Cấn Văn Lực kiến nghị sớm ban hành những chính sách về thanh toán không tiền mặt, điều này là xu hướng, cơ hội cho Chính phủ chống tình trạng tham nhũng.

Tại Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai” sáng 26/9, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hiện nay thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển rất nhiều hình thức, trong đó có hình thức thẻ.

Tuy nhiên, ông Hùng phát biểu, vấn đề phát triển thẻ cần đảm bảo sự an toàn, tiện ích kết hợp làm sao người dân trong nước có thể sử dụng thẻ quốc tế. Hiện nay một số trường đại học kết hợp với ngân hàng thanh toán tiền học phí thông qua thẻ nội địa. Đây là hình thức rất mới, song vẫn còn chưa thuận tiện như Visa, Master nên trong thời gian tới cần phải cải thiện thêm.

Về góc độ chính sách, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Nghị định 101 để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thị trường thẻ phát triển.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cũng nhận định, Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nói chung.

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế.

Ông Lực cũng lưu ý trong đề án thanh toán không tiền mặt là chỉ tiêu lượng tiền mặt trong lưu thông. Theo số liệu của NHNN, năm 2022, thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch cá nhân của Việt Nam vẫn chiếm đến 47% tương đương con số tại Indonesia. Như vậy, Việt Nam còn nhiều dư địa để giảm lượng thanh toán bằng tiền mặt xuống 20% ngang với Malaysia, Ấn Độ.

Năm 2023, ba bộ luật quan trọng là Luật Đất Đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Nhà ở được thông qua, theo đó TS. Cấn Văn Lực cho biết các chuyên gia đều tư vấn về việc thanh toán không tiền mặt trong các giao dịch khi ba bộ luật này được thực thi.

Hiện nay, hành lang pháp lý, định hướng của Ngân hàng Nhà nước rất rõ ràng trong các nghị định, thông tư về thanh toán không tiền mặt. Tuy nhiên ông Lực kiến nghị những chính sách này có thể sớm ban hành hơn, bởi điều này vừa xu hướng, vừa là cơ hội giúp Chính phủ chống tình trạng tham nhũng.

“Thanh toán không tiền mặt là phương án chống tham nhũng hiệu quả thứ hai”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định. Ngoài ra, ông cũng mong muốn các cơ quan chức năng và doanh nghiệp có thể tiếp tục nghiên cứu thẻ gắn với xu hướng thanh toán số, kể cả tiền kỹ thuật trong tương lai, đồng thời phải làm sao cho tiện lợi và chi phí thấp.

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, thị trường thẻ Việt Nam, nhất là thẻ tín dụng nội địa cũng được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển. Số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng tăng do đây vừa là một dịch vụ tín dụng, vừa là công cụ thanh toán đơn giản, thuận tiện và ngày càng có nhiều ưu đãi.

Chính vì lẽ đó, nắm bắt xu hướng và nhu cầu của người dân, trong thời gian qua một số ngân hàng, công ty tài chính đã nghiên cứu, cho ra mắt dòng sản phẩm thẻ tín dụng nội địa mang thương hiệu Việt với tiêu chuẩn, công nghệ chung, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; giúp xã hội giảm bớt các vấn đề của tín dụng đen, vay online, vay tiêu dùng, giảm chi phí ngoại tệ trả cho nước ngoài,…; đồng thời giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên, đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể “rẻ hơn” cho đơn vị chấp nhận thẻ.

"Tôi tin rằng, xu hướng thanh toán trong tương lai của giới trẻ Việt Nam, các bạn thế hệ Gen Z+ sẽ có cái nhìn đúng và ưu triên sử dụng thẻ tín dụng nội địa, như để khẳng định “Người Việt dùng hàng Việt”, ông Tuấn nói.