Truyền thông

Thành phố Móng Cái đón nhận Huân chương và công nhận đô thị loại II

Với những cố gắng, nỗ lực và kết quả toàn diện sau 10 năm xây dựng, phát triển, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) vinh dự được nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Quyết định công nhận Móng Cái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển vượt bậc của thành phố Móng Cái.

Móng Cái - Thành phố biên giới, có vị trí địa chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại; được Trung ương và tỉnh xác định là một trong hai mũi đột phá trong chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực sau 10 năm thành lập là nền tảng vững chắc, tạo động lực to lớn cho Móng Cái bước vào giai đoạn phát triển mới.

Những mũi nhọn kinh tế

Nằm ở địa đầu cực Đông Bắc của Tổ quốc, Móng Cái có 5 dân tộc, dân số gần 11 vạn người; diện tích tự nhiên 518,278 km2; có 78,444 km đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp với Trung Quốc. Trải qua các thời kỳ lịch sử, qua quá trình chia tách, hợp nhất, Móng Cái đã nhiều lần thay đổi địa danh, địa giới hành chính. Đến ngày 24/9/2008, thành phố Móng Cái chính thức được thành lập theo Nghị định số 03/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

Là vùng đất có khí hậu trong lành, không gian khoáng đạt, địa hình tự nhiên đa dạng, phong phú, Móng Cái xưa là cửa ngõ buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc; một số ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Móng Cái là địa phương sớm áp dụng các biện pháp thâm canh và cải tiến công cụ lao động, đặc biệt là ngành chăn nuôi lợn. Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng từ năm 1989 trở về trước, Móng Cái vẫn là một địa phương chậm phát triển với nền kinh tế thuần nông, tự cấp, tự túc, thu ngân sách không đủ chi, mọi hoạt động chủ yếu dựa vào trợ cấp của ngân sách cấp trên, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, số hộ đói nghèo chiếm tới 60%.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ khi trở thành thành phố đến nay, thành phố Móng Cái đã phát huy truyền thống cách mạng, tạo nên những bước phát triển toàn diện, vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng cao, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân trên 10%; trong đó khu vực dịch vụ tăng 14,93%; Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 29,33%; khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 13,65%. Thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, năm 2017 thu nội địa đạt 995 tỷ đồng (gấp 4 lần so với 2018) là mức thu cao nhất từ trước đến nay; dự kiến năm 2018 tổng thu ngân sách trên địa bàn sẽ đạt gần 2000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 tăng 3,1 lần so với năm 2008.

Chủ tịch UBND TP. Móng Cái Vũ Văn Kinh

Trên địa bàn hiện có 150 nhà nghỉ, khách sạn, trong đó có 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên; một số sản phẩm du lịch mới phố đi bộ, phố ẩm thực đã trở thành thương hiệu của Thành phố, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn và có mức tăng trưởng cao.

Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4.743 triệu USD, tăng 1,2 lần so với năm 2008; khách du lịch đạt hơn 2,2 triệu lượt, tăng 10,6 lần so năm 2008. Các dịch vụ tài chính, tín dụng, ngân hàng, vận tải, bưu chính, viễn thông... phát triển theo hướng hiện đại; ngành công nghiệp có bước phát triển đột phá, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 7.314 tỷ, tăng 71 lần so với 10 năm trước đó.

Quy hoạch chiến lược

Móng Cái đã thuê các tập đoàn tư vấn hàng đầu quốc tế lập và được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt 2 Quy hoạch chiến lược (Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái); hoàn thành 6/9 quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tập trung; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Đa dạng hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới; đến nay, đã có 6/9 xã đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn và các công trình công cộng, phúc xã hội, các công trình động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của Thành phố được đầu tư đồng bộ, gắn với việc triển khai thực hiện 2 quy hoạch chiến lược Khu KTCK Móng Cái, đã hoàn thành và đưa vào hoạt động một số dự án, công trình như dự án cầu phao tạm Km3+4 phường Hải Yên, cảng ICD Thành Đạt; lối mở cặp chợ biên giới Pò Hèn (Việt Nam) - Thán Sản (Trung Quốc); cầu Bắc Luân 2 và đường dẫn; mở rộng, nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; dự án "Phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 2" sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng châu Á (ADB)... thu hút các nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam đến nghiên cứu, tìm hiểu, hợp tác đầu tư; hiện nay, trên địa bàn Thành phố đã có 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt trên 590 triệu USD, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động Thành phố và các địa phương lân cận.

Văn hoá - xã hội ở Móng Cái có những bước phát triển rõ nét, từng bước đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Văn hóa - thông tin ngày càng đa dạng, phong phú; lĩnh vực truyền thanh, truyền hình có nhiều đổi mới; phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đời sống văn hóa ở cơ sở được nhân dân tích cực hưởng ứng và đạt kết quả tiến bộ. Chất lượng công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao. Thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân; công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng bền vững, năm 2017, hộ nghèo thành phố giảm chỉ còn 237 hộ, tỷ lệ 0,89%  (năm 2008 là 1,53%), thấp hơn so với mức trung bình của tỉnh.

Thành phố Móng Cái

Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, phát huy mạnh mẽ các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh quốc Tổ quốc, phong trào tự quản toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, góp phần duy trì ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Hoạt động đối ngoại không ngừng được mở rộng và tăng cường, thực hiện hiệu quả bản thỏa thuận thiết lập cơ chế giao lưu hữu nghị giữa Thành ủy Móng Cái và Thành ủy Đông Hưng, trọng tâm là hoạt động hợp tác, thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch biên giới; duy trì thường xuyên các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các Ban Đảng, đoàn thể, giao lưu nhân dân kết nghĩa bản - bản, thôn-khu giữa các địa phương giáp biên hai nước Việt - Trung… góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

Nói về chiến lược phát triển của TP Móng Cái, Chủ tịch UBND Vũ Văn Kinh cho biết, trong thời gian tới, thành phố đã có kế hoạch đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập sâu rộng; phát huy tiềm năng, lợi thế, những giá trị khác biệt về địa kinh tế, địa chính trị của Thành phố, huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh, bền vững; xây dựng Móng Cái trở thành Trung tâm kinh tế phát triển năng động, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; trung tâm du lịch có hệ thống cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh ngày càng vững chắc.

Thanh Tâm