Hồ sơ điều tra

Thanh niên khiến bạn chết đuối vì thách đố bơi qua hồ để trừ tiền có bị xử lý?

Liên quan đến vụ việc thách thức nhau bơi qua hồ, một người tử vong, chuyên gia pháp lý cho rằng, chỉ khi người thanh niên 17 tuổi biết rõ nạn nhân không biết bơi hoặc không thể đủ sức để bơi qua hồ Hoàng Cầu, nhưng vẫn ép nạn nhân phải bơi qua thì mới vi phạm pháp luật.

Liên quan đến vụ việc xảy ra vào hồi 22h30 ngày 30/11, hai nhân viên quán bia trên phố Mai Anh Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) khi hết giờ làm đã thách nhau bơi qua hồ Hoàng Cầu nằm bên cạnh, ai bơi hết vòng hồ sẽ được người còn lại trả 300.000 đồng. Hậu quả 1 người chết đuối.

Ảnh hiện trường vụ tai nạn đuối nước thương tâm.

Ths. Ls Đặng Văn Cường cho rằng: Có thể nói, đây là một vụ việc hết sức hi hữu. Việc thách đố nhau làm những việc “dị thường” có thể xảy ra trong giới trẻ, không ít những vụ việc đã khiến người thực hiện lời thách đố bị chấn thương, phải nhập viện, nhưng để dẫn đến hậu quả chết người như trường hợp này là ít xảy ra.

Việc thách đố nêu trên đánh giá dưới góc độ pháp lý có thể được xác định là “hứa thưởng” theo quy định của bộ luật dân sự. Theo đó, một người có thể đưa ra một lời hứa với những người khác và kèm theo một điều kiện nếu như ai đáp ứng được điều kiện đó thì sẽ thưởng một khoản tiền, lợi ích vật chất.

Tuy nhiên, nội dung hứa thưởng đó không được trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, không nhằm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Hứa thưởng được quy định  tại điều 570, Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“1. Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.

2. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.

Trong vụ việc này, theo thông tin ban đầu cho thấy, trước đó nạn nhân mới chính là người đưa ra đề nghị hứa thưởng. Thanh niên 17 tuổi đã thực hiện công việc theo lời hứa là bơi qua hồ Hoàng Cầu, nhưng đã không thực hiện lời hứa nên thanh niên này yêu cầu nạn nhân phải bơi giống như thế thì mới không đòi tiền thưởng. Yêu cầu của người thanh niên 17 tuổi nêu trên là hoàn toàn hợp lý để bù trừ nghĩa vụ trả thưởng.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Tuy nhiên, hậu quả vụ việc dẫn đến chết người nên cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân, động cơ và một số tình tiết khác để xem xét trách nhiệm pháp lý. Trong đó nếu người thanh niên 17 tuổi này biết rõ là nạn nhân không biết bơi hoặc không thể đủ sức để bơi qua cái hồ đó nhưng vẫn ép nạn nhân phải bơi qua thì người này mới vi phạm pháp luật, mới có thể bị xử lý về tội giết người hoặc tội vô ý làm chết người.

Còn trong trường hợp, người thanh niên 17 tuổi này nghĩ rằng nạn nhân không thể chết được, cho rằng hành vi không thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho người bơi xuống hồ (vì bản thân mình cũng vừa mới bơi xong), thực tế người thanh niên 16 tuổi (nạn nhân) cũng biết bơi... thì không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với người thanh niên này, nói cách khác người này sẽ được xác định là không có lỗi vô ý hoặc cố ý dẫn đến cái chết của nạn nhân. Khi đó, vụ việc chỉ có thể được xem xét đến trách nhiệm dân sự, người thanh niên 17 tuổi sẽ phải bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình nạn nhân.

Luật sư Cường cho rằng, vụ việc này cơ quan công an sẽ xem xét làm rõ rõ nguyên nhân, động cơ và nhận thức của người thanh niên 17 tuổi này để có hướng xử lý phù hợp với quy định pháp luật.

“Người thanh niên đã yêu cầu nạn nhân phải bơi xuống hồ dẫn đến tử vong chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ xác định người này có lỗi cố ý hoặc vô ý dẫn đến cái chết của nạn nhân. Còn trong trường hợp nếu xác định nạn nhân chết mà người thanh niên 17 tuổi này không có lỗi thì người này sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, luật sư Cường nêu quan điểm.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: Hứa thưởng là hành vi pháp lý đơn phương, thể hiện ý chí ban đầu của một bên chủ thể mà không có sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên như hợp đồng dân sự.

Ý chí của bên hứa thưởng phải được thể hiện một cách công khai, chủ thể bên nhận thưởng có thể được xác định rõ ràng hoặc không. Khi chủ thể bên nhận thưởng không được xác định cụ thể thì một người nào thực hiện công việc sẽ được coi là chấp nhận đề nghị giao kết của bên hứa thưởng. Nghĩa vụ thực hiện công việc của bên được nhận thưởng trong quan hệ hứa thưởng không phải là nghĩa vụ bắt buộc, vậy nên người này có thể thực hiện nhưng cũng có thể không thực hiện và nếu không thực hiện thì sẽ không nhận được giải thưởng.

Công việc được hứa thưởng phải được xác định cụ thể, có thể thực hiện được không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Trường hợp công việc hứa thưởng không đáp ứng được những yêu cầu này thì giao dịch sẽ bị coi là vô hiệu, nếu gây ra thiệt hại cho người khác thì bên hứa thưởng và bên thực hiện công việc sẽ cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Luật sư Diệp Năng Bình cũng viện dẫn quy định tại điều 570 Bộ luật dân sự 2015 và cho rằng: Trong trường hợp này có thể xem hai bên đã thực hiện thi đấu hứa thưởng. Những người trong cuộc không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của người khác, các chủ thể đủ năng lực trách nhiệm dân sự, đủ khả năng và nhận thức của mình có thể thực hiện hoặc không thực hiện do vậy vụ việc này không có dấu hiệu hình sự nên không thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can.