Sự kiện

Thành lập thành phố Thủ Đức, khiếu kiện đất đai bao giờ chấm dứt?

Khi TP.HCM thực hiện đề án thành phố Thủ Đức, người dân đặt câu hỏi về sự khác biệt, về năng lực quản lý của lãnh đạo chính quyền.

Chiều 6/10, tổ ĐBQH TP.HCM (đơn vị số 7), gồm: ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM;  bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP và bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức trước kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Đình Trung (phường Trường Thọ) đặt câu hỏi: “Việc thành lập thành phố Thủ Đức có giải quyết được các vấn đề như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự…mà người dân sinh sống ở 3 quận này đang đối mặt hay không?”.

Đề án thành lập thành phố Thủ Đức được cử tri đóng góp ý kiến.

Đã có nhiều ý kiến của các cấp lãnh đạo thành phố về sự cần thiết cũng như những triển vọng, tương lai của việc sáp nhập, thành lập thành phố. Tuy nhiên trong các ý kiến đó, người dân chưa thấy được sự khác biệt căn bản về việc thành lập một thành phố trong thành phố.

“Thành phố trong thành phố có ưu việt gì cho việc thu hút đầu tư cũng như tạo cơ hội cho các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trong tương lai? Người dân được lợi gì?

Để tạo được sự đồng thuận, nhất trí đối với người dân thì các cấp lãnh đạo cần phải làm rõ điều này, còn nếu chỉ sáp nhập cơ học về mặt địa bàn, dân số, chính quyền... sẽ là lãng phí”, cử tri Trung nói.

Một cử tri khác tại phường Linh Tây cho hay: “Đất đai là vấn đề còn nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài, chưa xử lý dứt điểm. Bây giờ thành lập thành phố Thủ Đức, liệu các vấn đề còn tồn đọng sẽ được giải quyết ra sao để người dân ổn định cuộc sống?”.

Người này cũng cho rằng, lãnh đạo TP.HCM cần bố trí cán bộ trẻ, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm về quản lý thành phố Thủ Đức để thực sự đổi mới sáng tạo.

Đại diện tổ đại biểu, ông Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định: “Việc thành lập thành phố Thủ Đức không phải chúng ta muốn trở lại địa bàn huyện Thủ Đức như trước đây, trước khi chia tách năm 1997.

Sau một chặng đường, từng quận đã có định hướng phát triển, tạo ra ưu thế cho việc thành lập thành phố trong thành phố, theo đúng chủ trương là xây dựng đô thị vệ tinh”.

ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.

Vị ĐBQH cũng chỉ ra, huyện Thủ Đức trước đây nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm, gắn liền với Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng vì thời gian qua chưa thể hiện được nhu cầu đó.

Lúc này, UB MTTQVN các cấp đang ghi nhận các nhu cầu, mong muốn của cử tri như hiểu rõ hơn về quản lý quy hoạch, xem xét cơ chế sử dụng đất, tính toán bộ máy cán bộ…

Để khi được thành lập, đi vào vận hành, thành phố mới sẽ không gặp trở ngại. Hàng loạt vấn đề khác như đổi tên đường, thông tin giấy tờ thủ tục…đang được xem xét, nghiên cứu để thực hiện tốt mục tiêu cả TP.HCM đang hướng đến.

Nói về những tồn tại là khiếu nại liên quan đến đất đai kéo dài trên địa bàn quận Thủ Đức, ông Khuê cho rằng: “Nếu đưa khẩu hiệu “Thành phố văn minh - hiện đại – nghĩa tình” mà lòng dân không yên, vẫn liên tục khiếu kiện khiếu nại thì chúng ta cần xem lại cách giải quyết đã thật sự an dân hay chưa.

Có thực sự lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá mức độ nỗ lực của các cấp các ngành, của cán bộ toàn hệ thống chính trị hay chưa?”.